Ông Trương Minh Tuấn khai có sự hiểu lầm hứa hẹn ký để được lên Bộ trưởng?

Chiều ngày 16-12, sau khi dành hơn 1 giờ để đại diện Viện Kiểm sát công bố tiếp phần cáo trạng truy tố 14 bị cáo, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo. Trước khi xét hỏi, chủ tọa yêu cầu cách ly bị cáo Nguyễn Bắc Son...
Bị cáo Trương Minh Tuấn. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Trương Minh Tuấn. Ảnh: TTXVN

Trong bản kết luận của cáo trạng có nêu, các bị cáo trong nhóm tội "Nhận hối lộ" gồm: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải. Trong đó, lời khai của bị cáo Trương Minh Tuấn với cơ quan điều tra thực hiện sự chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son là vì được Nguyễn Bắc Son hứa hẹn tạo điều kiện để làm Bộ trưởng Bộ TT-TT.

Tuy nhiên, lời khai của bị cáo Trương Minh Tuấn trước tòa chiều nay cho rằng, có sự nhầm lẫn của cơ quan điều tra về việc này. 
Bị cáo Tuấn trình bày, bị cáo giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT từ tháng 4-2016 đến 8-2018, nhưng quyết định phân công bị cáo Tuấn tạm thời phụ trách các mảng báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin cơ sở, nội chính từ 5-2015, cùng với đó là phụ trách đơn vị Cục Báo chí, Phát thanh điện tử, Cục thông tin đối ngoại, Xuất bản... Bị cáo Tuấn nói không được phân công chỉ đạo MobiFone, không phụ trách Vụ Quản lý Doanh nghiệp, chưa được phân công phụ trách doanh nghiệp. Sau khi làm Bộ trưởng bị cáo đã chỉ đạo để lấy lại các thông tin liên quan mà trước đây mình chưa được phụ trách.

Tiếp tục trình bày, bị cáo Tuấn cho rằng, trong dự án MobiFone mua AVG, bị cáo được phân công những việc cụ thể sau khi Bộ trưởng duyệt, như việc ký công văn số 44 gửi Bộ Công an để xin ý kiến đưa dự án vào danh mục "mật"; ký báo cáo đánh giá của tổ thẩm định; ký công văn 235 sau khi bộ trưởng duyệt và ký quyết định 236 (phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng công ty Viễn thông MobiFone) sau khi Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son duyệt. Tổng số các văn bản mà bị cáo Tuấn ký 5/53 văn bản của dự án.  

Tòa tiếp tục truy bị cáo Trương Minh Tuấn rằng, Bộ TT-TT có chỉ đạo MobiFone lập dự án, bị cáo Tuấn khai không chỉ đạo, nhưng có đánh giá dự án thông qua đánh giá của tổ thẩm định dự án. Việc đưa giao dịch là “mật”, bị cáo Tuấn cho rằng, việc xin phê duyệt dự án mình không được biết, và đưa vào mật bản thân bị cáo cũng không được trao đổi.

“Bộ TT-TT có quyết định 236 phê duyệt mà bị cáo ký, Bộ TT-TT không chỉ đạo MobiFone triển khai dự án, còn quyết định 236 là quyết định đồng ý cho MobiFone được đầu tư dịch vụ truyền hình. Tất cả thực hiện theo chỉ đạo bút phê của bộ trưởng, tôi nghĩ đó cũng là chỉ đạo của Bộ cho MobiFone. Văn bản 236 trước khi ký tôi không được trao đổi, chỉ sau khi có bút phê của bộ trưởng, tôi nói lại Vụ trưởng doanh nghiệp không phải chức năng của tôi, nên tôi không ký, nhưng Bộ trưởng giao nên tôi phải ký”, bị cáo Tuấn trình bày.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Tuấn cũng cho rằng, sau này khi xem xét lại, có mấy nội dung chưa được làm rõ, nhất là về giá mua và hiệu quả dự án. "Dự án này tôi có nghe thông tin là vào kế hoạch 5 năm của Bộ TT-TT. Còn dự án bắt buộc phải xong trong năm 2015 ở nội dung quyết định 236 là theo chỉ đạo của Bộ trưởng", ông Tuấn trình bày.

Chủ tọa tiếp tục hỏi ông Tuấn rằng, các văn bản trên thuộc lĩnh vực bị cáo không phụ trách, sao vẫn ký? Ngẫm một lúc, ông Tuấn cho rằng, các văn bản trên do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son có bút phê nên mới ký để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Theo quy định, các dự án có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ phải có chủ trương từ Thủ tướng, nhưng trong quyết định số 236 bị cáo Trương Minh Tuấn vẫn ký để thực hiện dự án? Việc này, bị cáo cho rằng, trước đó các văn bản của Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành không được coi làm căn cứ để phê duyệt, sau này bị cáo nhận thức được việc ký quyết định 236 là vi phạm pháp luật, dẫn đến hệ quả như hiện nay.
“Sau khi có quyết định đó thì Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo MobiFone và các đơn vị liên quan thực hiện, sau đó bị cáo không được biết gì thêm. Bị cáo nhận thức được rằng, quyết định 236 là vi phạm pháp luật, và chịu trách nhiệm việc mình ký quyết định này”, ông Tuấn thừa nhận.

Sau này phát hiện ra vi phạm pháp luật, bị cáo Tuấn đã hủy hợp đồng và hủy quyết định số 236 vào ngày 26-6-2018.

Ông Tuấn cũng khẳng định, tới khi phiên tòa diễn ra ông không có bổ sung thay đổi với cơ quan điều tra, nhưng có một số nội dung có đơn gửi lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và HĐXX. Những nội dung bổ sung gồm: Liên quan tới ký công văn số 44, bị cáo không được trao đổi bàn bạc, vì không được trao đổi nên sau khi có bút phê của Bộ trưởng trong tờ trình vụ Quản lý doanh nghiệp nên mới ký; với ông Son, quá trình thực hiện không hề hứa hẹn là lên bộ trưởng để ép buộc bị cáo thực hiện việc này.

"Có thể trong khi làm việc với cơ quan điều tra có hiểu lầm về nội dung này. Liên quan dự án này, sau khi ký quyết định, bị cáo không có gợi ý gì với Phạm Nhật Vũ, đến tết 2016 (sau đại hội), Vũ có đến phòng làm việc tặng lẵng hoa chúc mừng và có gói quà chúc mừng bị cáo trúng cử, buổi chiều mới mở gói quà và trong có 200.000 USD, trước đó Vũ có liên hệ hỏi xem dự án như thế nào, tiến độ tới đâu?!

Khi nhận được tiền của Vũ, lúc đầu bị cáo chỉ nghĩ là quà của Vũ, nhưng sau này nhận thức ra nếu mình không ký quyết định 236 thì không có quà như thế, sau này cũng khai với cơ quan điều tra và đã nộp lại. Số tiền này gia đình bị cáo đã nộp đủ cho cơ quan điều tra", bị cáo Tuấn khai.

Trong buổi chiều, tòa tiếp tục phần xét hỏi với bị cáo Phạm Đình Trọng, cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT-TT) liên quan tới một số văn bản mà bị cáo dự thảo...

Tin cùng chuyên mục