Odebrecht - tập đoàn Brazil hối lộ toàn cầu

Dính hàng loạt quan chức

Tập đoàn xây dựng lớn nhất Brazil Odebrecht được xây dựng bởi 3 thế hệ gia đình Odebrecht, hoạt động trong hàng chục lĩnh vực tại hàng chục quốc gia, đang bị Brazil và các nước điều tra hối lộ các chính trị gia cả tỷ USD để giành các hợp đồng béo bở xây dựng công trình công cộng với Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Dính hàng loạt quan chức

Ngày 11-4, Tòa án tối cao Brazil ra phán quyết chấp thuận điều tra 8 thành viên nội các và hàng chục nghị sĩ bị cáo buộc liên quan vụ bê bối tham nhũng lớn nhất nước. Danh sách những nhân vật bị điều tra được thẩm phán Edson Fachin công bố bao gồm 8 bộ trưởng, tức gần 1/3 nội các của Tổng thống Michel Temer, trong đó có Chánh Văn phòng tổng thống Eliseu Padilha, các bộ trưởng ngoại giao, thương mại và nông nghiệp, chủ tịch thượng viện và hạ viện, cùng các cựu tổng thống Fernando Henrique Cardoso, Luiz Inacio Lula da Silva và Dilma Rousseff.

Chiến dịch Lava Jato (rửa xe) của Công tố Liên bang Brazil bắt đầu năm 2014 đã phanh phui việc Tập đoàn Odebrecht hối lộ cả tỷ USD để đổi lại các hợp đồng xây dựng công trình công cộng béo bở từ Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Marcelo Odebrecht, CEO Tập đoàn Odebrecht giai đoạn 2008-2015, bị bắt vào tháng 6-2015 và bị kết án 19 năm tù. Tháng 10-2016, Odebrecht và Tập đoàn Odebrecht đạt thỏa thuận nhận tội để hợp tác với cuộc điều tra. Tổng cộng 77 giám đốc và cựu giám đốc của Odebrecht đã cung cấp hơn 900 bản khai tuyên thệ, gây một trận “động đất” chính trị ở Brazil và khắp Mỹ Latin. Vào tháng 3 năm nay, công tố viên đã yêu cầu tòa án tối cao mở 83 cuộc điều tra với các chính trị gia cấp cao có liên quan trong các bản khai của các thành viên Odebrecht.

Marcelo Odebrecht, CEO Tập đoàn Odebrecht, bị bắt tháng 6-2015. Ảnh: REUTERS

The Rio Times cho biết, ngày 10-4, Marcelo Odebrecht đã khai với thẩm phán Liên bang Sergio Moro rằng, Tập đoàn Odebrecht đã chi tiền cho Viện Lula xây dựng tòa nhà tổ chức phi chính phủ này của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, 50 triệu real cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Dilma Rousseff, 13 triệu real chi cho “Bạn” trong nhiều đợt từ năm 2012-2013. Theo Odebrecht, tên mã “Bạn” trong sổ sách kế toán hối lộ của Tập đoàn Odebrecht chỉ cựu Tổng thống Lula, còn “Người Italia” chỉ cựu Bộ trưởng Nội vụ Antonio Palocci, trung gian nhận hối lộ từ Odebrecht chuyển cho các quan chức chính phủ. Đây mới là lời khai đầu tiên của Odebrecht với thẩm phán Moro sau thỏa thuận nhận tội, trong đó cựu CEO của Odebrecht cam kết khai tất cả về vụ hối lộ và rửa tiền của Tập đoàn Odebrecht.

Hối lộ khắp nơi

Bộ Tư pháp Mỹ vào tháng 12-2016 cáo buộc Tập đoàn Odebrecht đã chi đến 1,04 tỷ USD hối lộ các chính trị gia và quan chức chính phủ tại 10 quốc gia Mỹ Latin và 2 quốc gia châu Phi, với 57,7% số tiền hối lộ đó chi ở Brazil. Mỹ đang tiến hành cuộc điều tra riêng, có thể dẫn đến truy tố hình sự, vì một số công ty con Tập đoàn Odebrecht, như Công ty hóa dầu Braskem, hoạt động ở Mỹ và có cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường chứng khoán New York, cũng như Petrobras đang bị điều tra theo yêu cầu ​​của các cổ đông ở Mỹ. Braskem bị cáo buộc đã chi 250 triệu USD hối lộ để duy trì vị trí dẫn đầu ở châu Mỹ trong sản xuất nhựa nhiệt dẻo, với 36 nhà máy trải khắp Brazil, Mexico, Mỹ và Đức.

Những cáo buộc liên quan Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và Tổng thống Panama Juan Carlos Varela, cùng việc một tòa án Peru vào tháng 2 năm nay đã ra lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Peru đang sống ở Mỹ Alejandro Toledo (nắm quyền từ 2001 - 2006) chỉ là phần nổi tảng băng hối lộ khắp nơi của Tập đoàn Odebrecht.

Theo điều tra của Mỹ, Tập đoàn Odebrecht đã chi hối lộ 599 triệu USD ở Brazil, 98 triệu USD ở Venezuela, 92 triệu USD ở Cộng hòa Dominica, 59 triệu USD ở Panama và 50 triệu USD ở Angola. Tại Peru, Tập đoàn Odebrecht đã chi hối lộ 29 triệu USD từ năm 2005, con số này được cho là chưa đầy đủ, khi xem xét chỉ dự án đường ống Nam Peru đang xây dựng đã có mức đầu tư đến 7 tỷ USD mà Chính phủ Peru đã quyết định chấm dứt hợp đồng với Tập đoàn Odebrecht. Trong nhiệm kỳ lần thứ 2 (2006 - 2011), Tổng thống Peru Alan Garcia đã ký với Brazil thỏa thuận xây dựng 5 nhà máy thủy điện lớn tại Peru, sau đó bị hủy bỏ bởi người kế nhiệm ông Garcia là Ollanta Humala (2011 - 2016), tuy nhiên, ông Humala lại bị nghi ngờ đã nhận 3 triệu USD từ Brazil trong chiến dịch tranh cử.

Odebrecht đã lập ra cả một bộ phận chuyên hối lộ. Dựa trên hơn 100 dự án của Odebrecht đã thực hiện hoặc đang tiến hành ở Argentina, Brazil, Colombia, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Guatemala, Mexico, Panama, Peru và Venezuela, cùng Angola và Mozambique ở châu Phi, điều tra của Mỹ ước tính, mỗi USD “đầu tư” cho hối lộ đã tạo ra 12 USD trong các hợp đồng của Odebrecht.

“Kết bạn với vua”

Theo IPS, Tập đoàn Odebrecht do Norberto Odebrecht thành lập năm 1944 là một công ty xây dựng đơn giản, bắt đầu đa dạng hóa trong nửa cuối thế kỷ 20 với các hoạt động mía đường, công nghệ quân sự, dịch vụ dầu khí, dịch vụ hậu cần, đóng tàu. Đầu những năm 1970, Tập đoàn Odebrecht đã xây dựng trụ sở Petrobras tại Rio de Janeiro, bắt đầu mối quan hệ dẫn đến vụ bê bối hối lộ hiện nay.

Điều tra của Brazil trong chiến dịch Lava Jato cho thấy một phần chiến lược hoạt động của Odebrecht là “kết bạn với vua”. Angola là thí dụ rõ nhất. Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Odebrecht hiện nay, Emilio Odebrecht, con trai nhà sáng lập Norberto Odebrecht, mỗi năm đều sang thủ đô Luanda họp với Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos (nắm quyền từ năm 1979) để đánh giá các dự án của Odebrecht và xác định các mục tiêu mới ở Angola. Odebrecht đã được đối xử đặc biệt với sự hiện diện vững vàng ở Angola trong các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, các lĩnh vực tái xây dựng, năng lượng, cấp nước, đường cao tốc và đô thị hóa.

Odebrecht có uy tín lớn ở Angola khi xây dựng nhà máy thủy điện Capanda trên sông Kwanza từ năm 1984 đến 2007, phải đối mặt sự chậm trễ và các rủi ro do cuộc nội chiến từ năm 1975 - 2002. Bây giờ Odebrecht đang xây dựng nhà máy thủy điện Lauca lớn nhất Angola, cũng trên sông Kwanza, công suất 2.067MW. Odebrecht quản lý trung tâm mua sắm cao cấp Belas ở Nam thủ đô Luanda, xây dựng nhà máy cấp nước cho thủ đô, phát triển giai đoạn đầu khu công nghiệp ở ngoại ô Luanda, phát triển nhà ở và đóng vai trò quan trọng trong việc vực dậy công nghiệp mía đường quốc gia. Ở các nước như Panama, Peru và Venezuela, số lượng công trình, dự án của Odebrecht đầy ấn tượng, bao trùm nhiều lĩnh vực như giao thông đô thị, cầu đường, bến cảng, nhà máy điện, nhiên liệu hóa thạch và cả nông nghiệp.

Nhưng việc mở rộng bằng hối lộ đã đến hồi kết thúc. Nợ nần chồng chất, doanh thu sụt giảm và mất quyền vay nợ, cả vay từ các ngân hàng phát triển Brazil, cùng vụ bê bối hối lộ, Odebrecht đang cố gắng hợp tác với các cơ quan tư pháp các nước liên quan để tìm kiếm các thỏa thuận cho phép tiếp tục hoạt động để hy vọng hồi phục.

Mỹ và Thụy Sĩ, nơi có các ngân hàng bị cáo buộc đã hỗ trợ hối lộ hoặc rửa tiền, đã ký thỏa thuận hợp tác với cơ quan pháp luật Brazil, nơi vụ bê bối hối lộ của Odebrecht đang lan rộng, với khoảng 200 nghị sĩ và quan chức chính phủ bị cáo buộc liên quan.

GIA HY

Tin cùng chuyên mục