NSƯT Thanh Sang qua đời ở tuổi 75

Sau hai tuần nhập viện cấp cứu vì khó thở, xuất huyết não, suy tim và suy thận, NSƯT Thanh Sang đã qua đời vào lúc 0 giờ 25 ngày 21- 4 tại nhà riêng tại quận Thủ Đức, TPHCM.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang

Trong sự nghiệp sân khấu, với hàng trăm vai diễn, ông đã khắc họa thật tinh tế những góc cạnh tâm lý của nhân vật, để vai diễn của ông đi vào lòng người, được công chúng yêu mến như: Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), Nhà vua (Đường gươm Nguyên Bá), An Lộc Sơn (Chuyện tình Dương Quý Phi), Đảnh (Tần Nương Thất), Long Hồ (Tuyệt tình ca), Tô Điền (Tiếng hạc trong trăng), Đông Nhật (Tuyết phủ chiều đông), Du Thản Chi (Kiều Phong A Tỷ), Lục Vân Tiên (Kiều Nguyệt Nga), Quách Tĩnh (Anh hùng xạ điêu)…

Tang lễ NSƯT Thanh Sang được tổ chức tại tư gia tại quận Thủ Đức, TPHCM. Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 21-4. Lễ truy điệu 7 giờ 15 phút ngày 25-4. Di quan cùng ngày và an táng tại Nghĩa trang Bình Dương.

NSƯT Thanh Sang qua đời ở tuổi 75 ảnh 1 Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Sang trong một vở diễn
NSƯT Thanh Sang sinh năm 1943, tên thật là Nguyễn Văn Thu, ông sinh ra tại xã Hòa Hiệp, huyện Phước Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 
Cha ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp và đã hy sinh năm 1949. Mẹ ông phải làm lụng cực khổ để nuôi 4 đứa con nhỏ, trong đó chỉ có ông là trai. Vì vậy, từ năm 8 tuổi, Thanh Sang bắt đầu sống bằng nghề đi biển đánh cá vừa nuôi gia đình vừa kiếm tiền học chữ trong làng.

Do gia đình sống gần rạp Cải lương Hải Lạc, nên ông bị cuốn hút theo nghề hát xướng. Năm 1960 khi đoàn cải lương Ngọc Kiều của bầu Hoàng Kinh, Ngọc Đán đến Hải Lạc biểu diễn. Khi diễn vở Chiều đông gió lạnh về, ông được đưa vào biểu diễn thay thế cho kép bị ốm. Bầu Hoàng Kinh thấy vậy mới đặt cho ông nghệ danh là Thanh Sang và bắt đầu dẫn ông vào con đường hát xướng.

Năm 1964, Thanh Sang chuyển về hát cho đoàn "Hoa mùa xuân", sau đổi thành "Dạ lý hương". Cũng trong năm này ông nhận huy chương vàng giải cải lương Thanh Tâm với vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long. Vai diễn Tạ Tốn trong vở này bị mù, rất khó diễn song ông lại diễn rất hay, đến mức nhiều người nhắc đến ông bằng bốn chữ Kim Mao Sư Vương - danh hiệu của Tạ Tốn. Vai diễn này đã đưa ông từ một anh chàng chài lưới, chưa qua trường lớp, trở thành một ngôi sao trong làng sân khấu.

Tin cùng chuyên mục