Nữ tỷ phú trồng hoa lan 7X

Mới đây, tại hội nghị tổng kết 5 năm (2012-2016) phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, được tiếp xúc và giao lưu với những nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi học hỏi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây con mới, đem lại hiệu quả cao, tôi khâm phục những tỷ phú nhà nông ở TPHCM.

Nữ tỷ phú trồng hoa lan 7X ảnh 1

Chị Trần Ngọc Tuyết đón nhận Huân
chương Lao động hạng ba



Chị Trần Ngọc Tuyết ngụ tại xã Hòa Phú (huyện Củ Chi), sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng không đủ sống. Thông qua chuyến đi học tập kinh nghiệm trồng lan tại Thái Lan năm 2007, chị mạnh dạn chuyển đổi trồng 2.000 gốc lan (trên khoảng vài trăm mét vuông đất), đến nay chị mở rộng vườn lan khoảng 5ha. Có được cơ ngơi như hôm nay là nhờ sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, UBND huyện Củ Chi tạo điều kiện cho chị xây dựng dự án vay vốn hỗ trợ lãi vay theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.

Ngày mới vào nghề trồng lan, chị tham quan các vườn lan trong và ngoài nước của các nghệ nhân đi trước, tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật trồng hoa lan. Bằng niềm đam mê, chị chăm sóc lan tỉ mỉ từ nhân giống đến thu hoạch. Chị chọn được giống lan tốt và hiểu được các giai đoạn phát triển của lan nên dễ dàng chăm sóc cây lan phát triển tốt.

Bây giờ vườn lan 5ha của chị phân ra thành nhiều khu (khu nhân giống, khu sản xuất cho hoa…) với hệ thống tưới phun sương tự động, điều khiển bằng máy, ít tốn công lao động, tiết kiệm nước. Cách chia vườn thành nhiều khu là kết quả của các chuyến tham quan, học tập các mô hình ở Thái Lan, Trung Quốc. Cách trồng này giúp chị điều tiết được lượng cây cho hoa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Điều chị quan tâm hiện nay, là khâu sản xuất giống và phòng trừ sâu bệnh trên hoa lan. Chị đề xuất các ngành chức năng cần nghiên cứu cho ra thị trường những giống tốt, quy hoạch vùng trồng hoa lan, để thuận lợi trong quản lý, theo dõi và phòng trừ sâu bệnh… Theo chị, để nghề trồng lan của TP phát triển, phải có cơ quan chức năng quản lý và sản xuất giống tốt để cung cấp cho bà con nông dân. Hiện nay, đa số nông dân mua giống lan được nhập từ Thái Lan, chất lượng may nhờ rủi chịu. Nếu cây cho hoa tốt thì không sao, còn cây không ra hoa hoặc hoa xấu, nông dân cũng không biết phản ánh ở đâu. Với những thành quả đạt được qua trồng lan, chị Trần Ngọc Tuyết đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

 Diện tích hoa cây kiểng của TPHCM đến cuối năm 2016 đạt 2.300ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm  2015; trong đó, hoa lan đạt 320ha, tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận Thủ Đức. Sản lượng hoa lan cung ứng hàng năm khoảng 6,7 triệu chậu và 68,9 triệu cành, đạt giá trị khoảng 613,9 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2020, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 536/QĐ-UBND ngày 5-2-2016 về phê duyệt Chương trình phát triển hoa cây kiểng trên địa bàn TP. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích hoa lan đạt 400ha, 90% hộ trồng lan có quy mô sản xuất 5.000m2 trở lên áp dụng hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước; lai tạo 3 - 5 giống lan mới từ các nguồn gen đã có (lan rừng Việt Nam và lan nhập).

 ĐẶNG KIỆT

Tin cùng chuyên mục