Tái cơ cấu ngành lúa gạo-Yêu cầu bức thiết

Việt Nam đứng tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng hiện giá gạo vẫn còn thấp, hàm lượng chất xám ít, lợi tức nông dân thấp nên vẫn nghèo… Tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tính cạnh tranh cao và bền vững là yêu cầu bức bách hiện nay.

Giảm chỉ tiêu xuất khẩu không đơn giản là bài toán trừ

Không phải ngẫu nhiên mà từ cuối năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) muốn giảm lượng gạo xuất khẩu xuống gần 3 lần so với hiện tại. Thống kê xuất khẩu gạo cả nước năm 2016 chỉ đạt hơn 4,8 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015.

Xuất khẩu gạo cần chọn phân khúc sản phẩm chất lượng để lách “khe cửa hẹp”. Ảnh: CAO PHONG

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, chính sách và năng lực tự túc lương thực cùng với xu hướng bảo hộ ngày càng tăng của các quốc gia vốn là bạn hàng nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia... buộc chúng ta phải điều chỉnh chính sách. Các khuyến nghị được đưa ra là giảm lượng gạo xuất khẩu, trồng nhiều hơn lúa chất lượng cao, chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng, vật nuôi khác...

Nhưng thực ra, việc này đã được đề cập từ nhiều năm trước. Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 23-12-2009 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đã xác định mục tiêu đến năm 2020, chúng ta chỉ sản xuất khoảng 41-43 triệu tấn lúa, đáp ứng tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu chỉ khoảng 4 triệu tấn gạo/năm. Nhưng ngay sau đó, xuất khẩu gạo vẫn liên tục tăng, lượng gạo xuất khẩu năm 2012 đã vượt ngưỡng 8 triệu tấn và từ đó đến nay, hàng năm nước ta xuất khẩu gạo khoảng 6-7 triệu tấn. Cần lý giải nguyên nhân của thực trạng này để chuyển đổi căn bản, toàn diện, thực chất ngành hàng lúa gạo hơn là tiếp tục đưa ra chỉ tiêu số lượng. Cần sự tiếp cận và giải quyết tổng thể, đa ngành, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Cần phải định hướng điều chỉnh theo xu hướng giảm hợp lý lượng gạo xuất khẩu, tăng giá trị. Nhưng vấn đề không phải là định ra chỉ tiêu xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo mỗi năm!

Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo tập trung đầu mối và tập trung thị trường rất cao, vừa thể hiện mặt tích cực, nhưng cũng bộc lộ những khiếm khuyết. Điểm yếu cốt lõi là, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, chủ yếu tự mình tìm kiếm khách hàng. VFA chưa thể hiện chuỗi vai trò trong việc thúc đẩy chuối liên kết. Nhìn chung, các nhà xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam vẫn chưa có sự liên minh, liên kết chặt chẽ với nhau và với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở các nước khác để đạt được thế mặc cả cao hơn trên thị trường.

Chú trọng đầu ra sản phẩm

Trong những ngày đầu năm 2017, tín hiệu tích cực mở ra cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam là việc Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân Kinh doanh và xuất khẩu gạo - quy định đang bị phàn nàn là gây khó doanh nghiệp. Theo đó, bỏ quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo; bỏ quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bỏ quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo.

“Nhu cầu gạo thơm, chất lượng cao rất đa dạng và nhiều thị trường có nhu cầu. Số lượng phân khúc gạo phẩm cấp cao thường số lượng không lớn. Có đối tác chỉ cần vài ngàn tấn. Bãi bỏ quy định tối thiểu xuất khẩu gạo 10.000 tấn/năm là động thái tích cực khi hạt gạo phải cạnh tranh khốc liệt hơn, giải tỏa được nghịch lý giá gạo tiêu dùng trong nước thì cao còn giá gạo xuất khẩu lại thấp do không cạnh tranh được với đối tác”, một doanh nghiệp ở ĐBSCL cho biết. 

Các chuyên gia am hiểu về lúa gạo cho rằng, đã đến lúc cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo cho phù hợp với nhu cầu của thế giới. Trước tiên, vựa lúa ĐBSCL cần thay đổi cơ cấu sản xuất, không nên quá tập trung sản xuất 3 vụ lúa/ năm, thậm chí có vùng 7 vụ/2 năm.

Theo TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, tái cơ cấu phải chú trọng đến đầu ra sản phẩm. Đặc biệt là đối với sản phẩm sản xuất trên nền tảng bền vững về môi trường và xã hội, bởi thực tế có nhiều dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững nhưng gặp khó về đầu ra như mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global Gap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) của nông dân HTX Mỹ Thành Nam (Tiền Giang).

Theo GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, để tránh tình trạng được mùa, mất giá, ĐBSCL cần giảm diện tích lúa ở vùng ven biển do tác động của biến đổi khí hậu. Ngành lúa gạo cần được đầu tư đúng mức theo hướng chuyên nghiệp hóa: Cung - cầu cân đối theo từng phân khúc gạo (gạo thơm, gạo đặc sản, gạo có phẩm cấp trung bình) gắn với thị trường tiêu thụ cụ thể, tìm đầu ra cho lúa gạo Việt Nam.

Lúa thu hoạch sớm trúng giá

Đầu tháng 3-2017, nông dân ĐBSCL bước vào cao điểm thu hoạch lúa đông - xuân. Bán lúa được giá, nhiều nông dân khá hài lòng. Hiện giá lúa dao động từ 4.900 - 5.300 đồng/kg (tùy theo lúa ướt hay lúa khô), bình quân tăng 300 - 400 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Trong khi đó, theo công bố mới đây, giá thành sản xuất lúa đông - xuân dao động ở ngưỡng 3.700 - 3.800 đồng/kg. Với mức giá thành này, giá lúa trên 5.000 đồng/kg, nông dân sẽ có mức lời khoảng 30%.

Vụ đông xuân năm nay, ĐBSCL xuống giống trên 1,5 triệu ha, ước tính sản lượng lúa đạt 11 triệu tấn. Đây là sản lượng lớn so với những năm trước đây.

HỮU HIỆP - CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục