Cần cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại

Cả nước có trên 29.800 trang trại với tổng diện tích gần 134.000ha. Trong đó, trang trại trồng trọt chiếm 25,6%, chăn nuôi chiếm 48,7%, thủy sản chiếm 14,2%, lâm nghiệp chiếm 0,4% và trang trại tổng hợp chiếm 10,9%.  
Cần cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại

Cả nước có trên 29.800 trang trại với tổng diện tích gần 134.000ha. Trong đó, trang trại trồng trọt chiếm 25,6%, chăn nuôi chiếm 48,7%, thủy sản chiếm 14,2%, lâm nghiệp chiếm 0,4% và trang trại tổng hợp chiếm 10,9%.  

Khẳng định vai trò của kinh tế trang trại

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến của kinh tế hộ, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao; là đơn vị sản xuất tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, cũng như chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Có thể nói, kinh tế trang trại là nhân tố mới ở nông thôn; là động lực mới, nối tiếp và phát huy động lực của kinh tế hộ. Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, phát triển kinh tế trang trại góp phần vào quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất, gắn liền với quá trình phân công lao động nông thôn. Thời gian qua còn xuất hiện các hợp tác xã (HTX) từ sự liên kết các trang trại, bước tiến mới dẫn đến phát triển kinh tế tập thể, nhằm tăng khối lượng và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn. Điển hình là HTX Hoa lan Huyền Thoại (huyện Củ Chi, TPHCM) thành lập cuối năm 2015 gồm 8 xã viên với 18ha lan. Theo chị Đăng Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc HTX Hoa lan Huyền Thoại, thông qua HTX, các xã viên mua vật tư nông nghiệp cho việc trồng lan rẻ hơn thị trường từ 3.000 -5.000 đồng/đơn vị sản phẩm.

Chủ trang trại Thanh Huyền (thứ 2 bên phải) đang trao đổi với các chủ trang trạilà xã viên HTX Hoa lan Huyền Thoại. Ảnh: PHIÊU NHIÊN

Việc phát triển kinh tế trang trại đang có sự chuyển biến rõ nét, phù hợp với yêu cầu thị trường. Các trang trại tạo ra quy mô sản xuất tập trung, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm so với nông hộ nhỏ lẻ, mỗi trang trại giải quyết việc làm cho khoảng 8 lao động. Nhiều trang trại chủ động cung cấp giống cho bà con trong vùng, cũng như cung cấp số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cho thị trường trong và ngoài nước. Có trang trại đi vào sản xuất hàng hóa và chuyên canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất ra nông sản an toàn thực phẩm. Kinh tế trang trại cả nước có bước phát triển, tuy mức độ thành công khác nhau, nhưng đều có kết quả là thu được giá trị sản lượng cao trên 1 đơn vị diện tích, hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa lớn. Nhiều địa phương đã và đang có các chính sách riêng để phát triển kinh tế trang trại như Hà Nội, TPHCM...

Tại diễn đàn kinh tế trang trại mới đây do Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) tổ chức, nhiều đại biểu nhìn nhận, sau thời gian phát triển mạnh kinh tế trang trại vào đầu những năm 2000, tốc độ phát triển thời gian qua chậm lại. Ở các địa phương, trang trại nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, chủ yếu tập trung mở rộng diện tích, sản phẩm thô là chủ yếu; việc quan tâm đến tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng sơ chế biến và bảo quản, định hướng thị trường và liên kết tiêu thụ hàng hóa vẫn còn có bộ phận chưa quan tâm nhiều, nên sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao. Một số trang trại, nhất là trang trại chăn nuôi hình thành tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch. Như các trang trại ở tỉnh Đồng Nai, thiếu định hướng, manh mún chưa gắn với quy hoạch vùng sản xuất và công nghiệp chế biến. Trình độ quản lý, chuyên môn các chủ trang trại còn hạn chế. Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về thị trường. Khó khăn lớn nhất là tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp

Đất đai, vốn của hầu hết chủ trang trại đều hạn chế, nhưng khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác, nhất là nguồn vốn vay, để đầu tư sản xuất không cao; nhiều chủ trang trại chưa mạnh dạn đổi mới bằng các hình thức huy động khác nhau như thuê, mướn, cổ phần, góp vốn.  Việc quy hoạch và quản lý trang trại còn nhiều bất cập: một số địa phương chưa có quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao để định hướng và thu hút đầu tư vào trang trại. Có nơi có quy họach nhưng thiếu chi tiết, chưa chặt chẽ, chưa ổn định lâu dài… Đất sản xuất nông nghiệp phần lớn thuộc hộ gia đình quản lý, quy mô ngày càng nhỏ và phân tán, nhất là tại các thành phố lớn và khu vực đô thị hóa mạnh. Mặc dù có chủ trương khuyến khích phát triển trang trại, chính sách hỗ trợ trang trại phát triển khá nhiều nhưng chưa đồng bộ, chậm đổi mới, nhiều bất cập, thậm chí kém phát huy hiệu quả so với yêu cầu phát triển trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, như: chính sách tích tụ đất đai và hạn điền, tín dụng, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi, tiêu chí xét và công nhận trang trại.

Theo Thông tư 27/2011, để đạt tiêu chí trang trại phải có diện tích tối thiểu 3,1ha trở lên ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, từ 2,1ha trở lên ở các tỉnh còn lại. Giá trị sản xuất hàng hóa đạt 700 triệu đồng/trang trại/năm đối với trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp; 1 tỷ đồng/trang trại/năm với chăn nuôi. Trang trại lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân 500 triệu đồng/trang trại/năm. Vì vậy, hiện nay cả nước mới có hơn 7.800 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Nhưng, chưa có trang trại nào trong số 239 trang trại ở TPHCM được cấp. TPHCM có tốc độ đô thị hóa cao, điều kiện sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Tuy nhiên, nếu xét về doanh thu, trang trại ở TPHCM đạt bình quân 1,9 tỷ đồng/năm; trong đó, trang trại chăn nuôi là 1,7 tỷ đồng/năm, trang trại thủy sản là 3,7 tỷ đồng/năm, do các trang trại ở TPHCM được đầu tư thâm canh nên tạo ra giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích khá cao (gần 1,1 tỷ đồng/ha/năm). Sản xuất của các trang trại TPHCM với lượng hàng hóa tập trung, có giá trị sản phẩm cao. Để góp phần phát triển kinh tế trang trại phù hợp với nông nghiệp đặc thù của những TP lớn như TPHCM, Hà Nội - nông nghiệp đô thị, Sở NN-PTNT TPHCM kiến nghị: Sửa đổi tiêu chí xác định kinh tế trang trại theo hướng có tính đặc thù. Vì có nhiều trang trại trồng lan ở TPHCM giá trị sản lượng hàng hóa rất cao, trên 2 tỷ đồng/năm (như Trang trại Hoa lan Huyền Thoại, Trang trại lan Ngọc Tuyết); xây dựng chính sách theo hướng các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại, nếu có phương án đầu tư khả thi, phù hợp với quy hoạch thì Nhà nước xem xét giao đất, cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tối thiểu 10 năm trở lên để ổn định đầu tư; cũng như có chính sách hỗ trợ tín dụng với trang trại có dự án đầu tư khả thi vay tối đa 70% vốn đầu tư...

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục