Cấp thiết nâng tầm giá trị hạt gạo

Những ngày này, nông dân các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa đông xuân sớm; nếu như mọi năm nhà nào cũng hớn hở vì lúa được mùa được giá thì năm nay tình hình không mấy khả quan, do một số diện tích lúa giảm năng suất vì thời tiết bất lợi.
Cấp thiết nâng tầm giá trị hạt gạo

Những ngày này, nông dân các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa đông xuân sớm; nếu như mọi năm nhà nào cũng hớn hở vì lúa được mùa được giá thì năm nay tình hình không mấy khả quan, do một số diện tích lúa giảm năng suất vì thời tiết bất lợi.

Càng lo hơn là giá lúa hàng hóa không cao và tình hình xuất khẩu dự báo khó khăn. Do đó, cần mạnh dạn thay đổi từ sản xuất đến xuất khẩu để nâng giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho nông dân…

Cần quan tâm thị trường nội địa, bởi lượng gạo tiêu thụ lớn và giá cao

Lợi nhuận teo tóp

Huyện Tháp Mười là nơi thu hoạch lúa đông xuân sớm nhiều nhất ở tỉnh Đồng Tháp trong những ngày qua. Đi dọc các xã Mỹ Hòa, Mỹ Quý, Phú Điền, Tân Kiều… đâu đâu cũng thấy người dân thu hoạch lúa, nhưng không khí vụ mùa trầm lắng bởi năng suất không cao. Ông Nguyễn Văn Tính, ngụ xã Phú Điền, tâm sự: “Vùng này năm nào lúa đông xuân cũng trúng mùa, nhờ làm sớm hơn các nơi khác nên năng suất không dưới 7 tấn/ha. Tuy nhiên, năm nay tệ hại khi lúa bị thất mùa trên diện rộng. Điển hình như gia đình tôi canh tác 9,5 công, nhưng thu hoạch chỉ được 5 tấn lúa”. Ông Võ Văn Dũng, Phó phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười, cho biết: “Đến thời điểm này nông dân trong huyện đã thu hoạch khoảng 30.000ha lúa đông xuân, năng suất bình quân 5,4 tấn/ha, giảm tới 1,9 tấn/ha so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân thất mùa là do ảnh hưởng mưa dầm ngay lúc gieo sạ, đất đai bạc màu, thiếu dinh dưỡng do nhiều năm nước lũ về thấp… Giá lúa tươi loại thường khoảng 4.500 đồng/kg, lúa tươi hạt dài từ 4.700 - 4.900 đồng/kg, lúa thơm 5.200 đồng/kg… tính ra nông dân lời thấp hơn các vụ đông xuân trước”.

Trong lúc nông dân trồng lúa kêu than vì năng suất không cao thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong tháng 1-2017, các doanh nghiệp xuất khẩu được khoảng 325.000 tấn gạo, trị giá 136 triệu USD, giảm 32% về khối lượng và giảm 35% về giá trị so cùng kỳ năm 2016. Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL trăn trở: “Năm qua tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do thị trường như Trung Quốc và châu Phi không ổn định. Trong đó, Trung Quốc siết đường tiểu ngạch nên các doanh nghiệp xuất khẩu của ta phải cạnh tranh hạn ngạch, đồng thời cạnh tranh về giá so các nước khác. 

Các chuyên gia cho rằng, qua dự báo cho thấy dự trữ gạo của thế giới trong năm 2017 sẽ tăng và vượt ngưỡng 120 triệu tấn, cao nhất trong vòng 15 năm gần đây. Bên cạnh đó, thế giới còn được mùa lúa mì với khoảng 16 triệu tấn và gần 80 triệu tấn bắp. Điều này chứng tỏ, không chỉ mặt hàng gạo mà thị trường các loại lương thực trên thế giới năm 2017 dự báo kém sôi động, giá khó đột biến… Nếu như xuất khẩu gạo không tăng thì giá lúa hàng hóa trong nước cũng khó cải thiện.

Giảm số lượng, nâng chất lượng

Trước tình hình xuất khẩu không mấy khả quan nên lãnh đạo VFA đưa ra dự báo về xuất khẩu gạo năm 2017 đạt mức khoảng 5 triệu tấn và về lâu dài cần nghiên cứu giảm số lượng xuất khẩu gạo. Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, trước đây mỗi năm các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines… nhập khẩu gạo của Việt Nam từ 2-3 triệu tấn theo hợp đồng tập trung, thì năm 2016 các nước trên giảm mạnh số lượng gạo nhập khẩu do họ thực hiện chiến lược đẩy mạnh sản xuất lương thực cung ứng nội địa. Đối với thị trường Trung Quốc, dù tiêu thụ khá nhiều gạo từ Việt Nam nhưng đây là thị trường không ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Có thể nói, nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới không tăng, trong khi tính cạnh tranh về xuất khẩu gạo ngày càng gay gắt giữa nhiều nước. Ngoài ra, ĐBSCL nơi cung ứng nguồn gạo chủ lực cho xuất khẩu, đang đối mặt với tác động biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn đe dọa sản xuất lúa… Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp ủng hộ ý kiến giảm xuất khẩu gạo về số lượng, tập trung đầu tư tăng giá trị, lợi nhuận; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, lưu ý: “Dù tình hình chung có khó nhưng phải thấy rằng hiện nay nhiều nước đang gia tăng việc nhập khẩu gạo nếp và gạo chất lượng cao. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu liên kết với nông dân và phối hợp với ngành chức năng xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo số lượng lẫn chất lượng cho 2 loại gạo này. Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng biện pháp mua ngay - bán ngay, tránh tình trạng neo lâu khi giá xuống sẽ khó bán…”.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Trung An (Cần Thơ), nhìn nhận: “Giảm số lượng, tăng chất lượng là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải mạnh dạn thay đổi thêm nhiều thứ khác. Lâu nay chúng ta “quen” sản xuất nhiều loại gạo mà thị trường không cần, trong khi thiếu loại gạo thị trường cần, thế là cứ lẩn quẩn “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”. Khắc phục tình trạng này phải quy hoạch lại sản xuất gắn nhu cầu tiêu thụ, trong đó lưu ý dòng sản phẩm chất lượng, giảm gạo phun nhiều thuốc, phân bón…

Cùng với việc định hướng lại thị trường xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp nên quan tâm hơn thị trường nội địa; bởi số lượng gạo tiêu thụ nội địa hàng năm rất cao, ước khoảng 12 triệu tấn gạo và giá khá tốt.

 Một tín hiệu tích cực khi mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo. Theo đó, bỏ quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo... Theo Bộ Công thương, có nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm, chủ yếu nhiều thị trường nhập khẩu chính đã từ bỏ nhập khẩu diện nghị định thư như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bangladesh… Ngoài ra, Bộ Công thương cũng ký quyết định thành lập Tổ Biên tập và Ban Soạn thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ/CP. Đây được xem là bước tiếp theo để “cơi nới” đầu ra cho hạt gạo.

 
HUỲNH LỢI - CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục