Công nghệ cao giúp tăng giá trị sử dụng đất

Tại buổi tổng kết ngành nông nghiệp cả nước mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, dù tỷ trọng của ngành nông nghiệp TPHCM chưa tới 1% GDP của TP, nhưng lãnh đạo TPHCM vẫn tập trung nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp đô thị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.      
Công nghệ cao giúp tăng giá trị sử dụng đất

Tại buổi tổng kết ngành nông nghiệp cả nước mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, dù tỷ trọng của ngành nông nghiệp TPHCM chưa tới 1% GDP của TP, nhưng lãnh đạo TPHCM vẫn tập trung nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp đô thị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.      

Năm 2017: 450 triệu đồng/ha đất nông nghiệp

Dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm xuống để phục vụ cho nhu cầu công nghiệp hóa và đô thị hóa, nhưng ngành nông nghiệp TP vẫn mạnh dạn đặt ra mục tiêu đạt giá trị sản xuất 450 triệu đồng/ha/năm. Đó là do TP đã đạt được những kết quả trong việc chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp lấy lúa làm chủ đạo sang việc chọn cây con giá trị cao, phù hợp thị trường TP từ đầu những năm 2000.

2 năm qua, nông nghiệp TP tiếp tục tái cấu trúc theo hướng ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào việc sản xuất nông nghiệp đô thị. Nhờ đó, năm 2016 giá trị sản xuất bình quân 1ha đạt 410 triệu đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ (con số này năm 2011 chỉ mới là 170 triệu đồng). TPHCM đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha nhờ xác định cây trồng, vật nuôi có giá trị và phù hợp với nông nghiệp đô thị, như rau cho doanh thu bình quân 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm, hoa lan khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm, bò sữa với quy mô 20 con khoảng 800 triệu đồng/năm, nuôi tôm sú công nghiệp khoảng 800 triệu đồng/ha/năm, cá cảnh với giá trị quy ra ha/năm đạt trên 1 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp cả nước gặp nhiều khó khăn nên tăng trưởng bình quân chỉ đạt 1,2% năm 2016, ngành nông nghiệp TPHCM vẫn giữ được đà tăng trưởng với 5,8 %, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng 5,8% so cùng kỳ. “Quả ngọt” của ngày hôm nay là kết quả của việc TP đã có bước định hướng đúng nhiều năm trước đó. 

Để có thể tiếp tục nâng giá trị sản xuất trên một hécta đất nông nghiệp lên cao hơn nữa trong bối cảnh diện tích sản xuất ngày càng sụt giảm do đô thị hóa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo cần chuyển tối đa diện tích lúa, kể cả muối ở Cần Giờ sang cây, con có giá trị hơn. Cần ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. TP tiếp tục kiến tạo chính sách, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp tập trung chuyển đổi theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao.

Từ sản xuất thành công hoa chuông, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM sẽ chuyển giao cho nông dân. Ảnh: CỘNG VIÊN

Hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao

Không dừng lại ở việc chuyển đổi cơ cấu, TPHCM tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển từ phát triển chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận cho người nông dân, gắn với việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể nói, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM được xây dựng trước đó được xem là mô hình để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và nhân rộng trong dân nhằm nâng cao giá trị, gia tăng sản lượng. TPHCM cũng đã xây dựng Trang trại bò sữa kiểu mẫu theo công nghệ của Israel.

Theo Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, giai đoạn 2011-2015 đã dần khẳng định vị trí tiên phong của khu trong việc góp phần phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của TP và tạo sự lan tỏa sang các tỉnh lân cận. Bước đầu, góp phần hình thành một số vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như vùng sản xuất hoa lan tại các xã Tân Thông Hội, Tân An Hội, Phước Hiệp, Trung An, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi); vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Quy Đức (huyện Bình Chánh), xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn)…, với gần 330 mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP với tổng diện tích canh tác hơn 145ha.

Ngoài ra, còn xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học, cho năng suất đạt cao hơn từ 15% - 30% so với cách thức canh tác trước đây. Với việc hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp TP giai đoạn 2011-2015, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao cho biết, các mô hình này được giới thiệu, chuyển giao và ứng dụng để tăng sản lượng và thu nhập của nông dân; các mô hình chuyển giao ra bên ngoài đạt hiệu quả cao và giảm tổn thất sau thu hoạch; nông dân tại các xã được nâng cao trình độ và kỹ năng sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của TP.

Năm 2017, TP sẽ đưa vào hoạt động thêm các khu nông nghiệp công nghệ cao mở rộng ở các huyện Cần Giờ, Bình Chánh và Củ Chi. Những nơi này cùng với Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM là những hạt nhân đào tạo nhân lực cũng như chuyển giao những thành tựu cho nông dân. Mới đây, Bộ NN-PTNT đã công nhận 4 tiến bộ khoa học của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM và đang được chuyển giao cho người dân, trong đó có giống hoa chuông, giống hoa lan… 

Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết tỷ lệ ứng dụng trực tiếp các công trình nghiên cứu khoa học sau nghiệm thu vào thực tiễn giai đoạn 2011-2015 mới đạt 35,5%, năng suất lao động tăng 5,6%. Khi việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học phổ biến hơn sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho ngành nông nghiệp TP.

 Năm 2017, TPHCM tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học gắn với an toàn thực phẩm; ban hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ, thúc đẩy thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, gắn kết trong chuỗi giá trị giúp giảm chi phí, ổn định sản xuất và cung ứng ngày càng nhiều hơn nông sản an toàn.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục