Nuôi bò bằng phế phẩm đậu phộng

Nếu như ngày trước, cây đậu phộng ở Trà Vinh sau khi thu hoạch, chủ yếu làm củi đốt hoặc bỏ phế ngoài ruộng. Gần đây, các nhà chuyên môn phát hiện trong thân, lá và vỏ cây đậu phộng có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, từ đó khuyến khích nông dân tận dụng nguồn phế phẩm này để nuôi bò.
Nuôi bò bằng phế phẩm đậu phộng

Nếu như ngày trước, cây đậu phộng ở Trà Vinh sau khi thu hoạch, chủ yếu làm củi đốt hoặc bỏ phế ngoài ruộng. Gần đây, các nhà chuyên môn phát hiện trong thân, lá và vỏ cây đậu phộng có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, từ đó khuyến khích nông dân tận dụng nguồn phế phẩm này để nuôi bò.

Sử dụng phế phẩm cây đậu phộng nuôi bò cho hiệu quả cao

Ông Mai Văn Chẩn, ngụ ấp Nhất A, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), cho biết: “Ở vùng nông thôn rất nhiều gia đình nuôi bò. Do nhiều nhà nuôi nên lượng thức ăn từ cỏ tự nhiên không đáp ứng đủ, vì vậy nông dân phải trồng cỏ trên ruộng hoặc mua rơm về làm thức ăn cho bò. Thế là chi phí giá thành tăng, kéo theo lợi nhuận giảm. Từ khi được ngành chức năng “bật mí” phương pháp dùng phế phẩm cây đậu phộng làm thức ăn cho bò nên ai nấy mừng rơn”. Ông Trần Minh Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc, hồ hởi: “Tất cả các ấp trong xã và nhiều nơi ở Trà Vinh đều có trồng đậu phộng, bởi loại cây này thích hợp trên vùng đất giồng cát. Trước đây, thu hoạch xong thì phế phẩm của cây đậu phộng chỉ để làm củi đốt hoặc bỏ đầy ruộng, thậm chí còn gây ô nhiễm. Nay nhờ các chuyên gia nông nghiệp ở Trà Vinh nghiên cứu thành phần dinh dưỡng của cây đậu phộng thích hợp làm thức ăn cho bò, sau đó triển khai để bà con áp dụng và đem lại hiệu quả bất ngờ”.

Tiến sĩ Lâm Thái Hùng, Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Trà Vinh, nhớ lại: “Chúng tôi có một số chương trình gắn với việc chăn nuôi và trồng trọt ở huyện Cầu Ngang. Qua nghiên cứu cho thấy, trong cây đậu phộng (thân, lá, vỏ) có chứa hàm lượng đạm khá cao, thích hợp để làm thức ăn cho bò. Thế là chúng tôi cùng với nông dân thử nghiệm đem về phơi, ủ… sau đó cho bò ăn thử, không ngờ đàn bò khoái khẩu với loại thức ăn từ nguồn phế phẩm này”. Tiến sĩ Hùng phân tích: Sau khi ăn những phế phẩm này, đàn bò sẽ uống rất nhiều nước, giúp bò tăng trọng lượng nhanh hơn. Song song đó, cần cho bò ăn kết hợp với một ít rơm để tránh bị tiêu chảy. Phương pháp nuôi bò này rất dễ dàng và thuận tiện bởi ở huyện Cầu Ngang nông dân trồng đậu phộng rất nhiều và nguồn rơm cũng không hiếm. “Nuôi bò bằng phế phẩm cây đậu phộng chỉ cần 8 tháng là bò đạt trọng lượng từ 1,3 - 1,4 tạ/con, giá hiện nay khoảng 18 triệu đồng/con, trừ chi phí nông dân còn lời hơn 3 triệu đồng/con. Một gia đình chỉ cần nuôi 10 con bò thì hiệu quả kinh tế không thua canh tác 1ha đất lúa”, ông Nguyễn Văn Nhiên, xã Mỹ Long Bắc tiết lộ.

Theo phòng NN-PTNT huyện Cầu Ngang, nhờ hiệu quả từ mô hình nuôi bò bằng phế phẩm đậu phộng đã kích thích người dân liên tục tăng đàn bò lên 42.300 con. Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Long Bắc Trang Thanh Triều cho hay, 1 công đậu phộng sau khi thu hoạch sẽ bán phế phẩm được từ 1- 1,5 triệu đồng (tùy thời điểm), tăng thêm nguồn thu nhập cho nông dân. Nhờ đó, bà con trong xã mở rộng diện tích trồng đậu phộng lên hơn 1.800ha, vừa để bán hạt vừa bán phế phẩm. Trong khi đàn bò của xã cũng đã vượt mức 5.000 con và đang phát triển lên 8.000 con trong những năm tới. Đây là mô hình mang lại hiệu quả “kép” cho người trồng đậu phộng và người nuôi bò ở địa phương…

NGỌC DÂN

Tin cùng chuyên mục