Trồng mãng cầu Thái

Cây mãng cầu (mà dân miền Bắc gọi là cây na) được trồng rất phổ biến ở nước ta. Suốt từ Bắc vào Nam, chỗ nào cũng thấy có mãng cầu. Nhiều nơi, bà con trồng nó thành rừng. Ai có dịp ra miền Bắc và lên Lạng Sơn thì mới thấy sức hấp dẫn của mãng cầu.
Trồng mãng cầu Thái

Cây mãng cầu (mà dân miền Bắc gọi là cây na) được trồng rất phổ biến ở nước ta. Suốt từ Bắc vào Nam, chỗ nào cũng thấy có mãng cầu. Nhiều nơi, bà con trồng nó thành rừng. Ai có dịp ra miền Bắc và lên Lạng Sơn thì mới thấy sức hấp dẫn của mãng cầu.

Ở Chi Lăng - vùng núi non hiểm trở mà ngày xưa ông cha ta đã đánh tan quân xâm lược, nay được trồng kín mãng cầu. Họ trồng nó từ chân núi lên tới tận đỉnh núi. Khắp cả một vùng rộng lớn chỉ thấy có toàn mãng cầu. Vào mùa xuân, khi cây thay lá, ta được chứng kiến những dãy núi hùng vĩ được bao kín bởi màu xanh nõn chuối của cả một rừng mãng cầu xanh tốt. Thật mát mắt! Tới mùa thu hoạch, bà con phải mắc ròng rọc từ trên đỉnh núi xuống tới chân để vận chuyển mãng cầu. Mỗi nhà thu tới hàng chục tấn. Cả vùng Chi Lăng thành một chợ mãng cầu khổng lồ. Mỗi ngày có hàng trăm xe tải tới để đưa mãng cầu đi khắp nơi. Người đi chơi qua cũng mua cả thùng để mang về làm quà. Dân Chi Lăng giàu lên nhờ mãng cầu. Đó là huyện đầu tiên của Lạng Sơn được công nhận danh hiệu Nông thôn mới…

Ở trong Nam, mãng cầu cũng được trồng rất phổ biến. Nó là cây xứ nóng nên rất thích hợp với khí hậu của ta. Chỉ có điều, nó không chịu được úng. Tránh trồng nó vào những nơi thoát nước kém.

Mãng cầu ở nơi quang đãng, nhiều nắng; đất phù sa rất thích hợp với nó. Nó thích đất kiềm và đất giàu Ma-nhê. Khả năng chịu hạn của mãng cầu cao hơn nhiều loại cây ăn quả khác. Tuy nhiên, nếu được cung cấp đủ nước thường xuyên thì cây sẽ cho ta năng suất rất cao.

Người ta cho biết, có tới hơn 50 loại mãng cầu. Nhưng hiện nay, dân ta chỉ trồng có 2 loại là mãng cầu ta và mãng cầu xiêm. Mãng cầu xiêm chỉ có ở phía Nam, ngoài Bắc không trồng được.

Mãng cầu có vị ngọt mát và thơm, ăn không biết ngán. Khó có loại quả nào vượt được nó. Chỉ có điều, nó có quá nhiều hạt. Vừa ăn, ta lại phải vừa nhằn hạt. Đó có lẽ là nhược điểm lớn nhất ở mãng cầu. Do đó, trong các bữa tiệc sang trọng, người ta tránh đưa mãng cầu vào vì khách sẽ ngại khi phải nhổ ra hàng đống hạt...

Gần đây, bà con mình đã lấy được giống mãng cầu của Thái Lan đem về trồng. Nó cho năng suất cao. Có quả nặng tới hơn 1kg! Điều thú vị hơn là nó rất ít hạt. Quả của nó vừa to, vừa ít hạt mà lại ngon như mãng cầu của ta. Các cơ sở đã trồng lại cho biết, nó ra quả sớm hơn mãng cầu của ta. Vì vậy, mãng cầu Thái đang được nhiều nơi đưa về trồng.

Giống mãng cầu của Thái Lan

Quả mãng cầu là loại quả kép. Mỗi múi của nó chính là một quả. Nó được đính chung quanh một cái trục gọi là lõi quả. Mỗi quả có 1 hạt. Nếu không được thụ phấn thì hạt không hình thành và quả đó gọi là múi lép. Nhiều múi bị lép thì quả sẽ phát triển không bình thường và méo mó. Tuy nhiên, giống mãng cầu của Thái Lan tuy ít hạt nhưng vẫn phát triển bình thường, quả vẫn to, tròn, thịt quả dày, ăn vẫn ngon.

Bằng mắt thường ta cũng có thể phân biệt được giống mãng cầu Thái với giống mãng cầu của ta. Giống của bạn có lá to bằng bàn tay. Trong lúc giống của ta có lá nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, việc canh tác chúng cũng như nhau. Mỗi hécta có thể trồng được 1.000 cây. Ta phải đào hố, bón lót đầy đủ cả phân hữu cơ và NPK. Sau khi trồng phải thường xuyên tưới ẩm nhưng không được để nước đọng nhiều ở gốc. Ta nên trồng chúng vào đầu mùa mưa, từ tháng 5-7.

Để hiểu biết thêm về giống mãng cầu của Thái Lan, bà con có thể xuống Bến Tre tham quan và lấy giống. Xin liên hệ với chị Thu qua điện thoại 0919.825.274.

Với TPHCM, phải hết sức lưu ý tránh trồng chúng ở những vùng bị ngập. Mãng cầu mà bị ngập vài ngày là cây sẽ chết. Nên cải tạo đất, bón thêm phân hữu cơ và vôi bột. Mãng cầu là cây ưa đất hơi kiềm…

Hy vọng, giống mãng cầu Thái sẽ giúp bà con ta tăng nhanh được thu nhập và tạo đà để vươn lên làm giàu

N.L.H.

Tin cùng chuyên mục