Khoảng trống kênh phân phối

Câu chuyện cộng đồng chung tay “giải cứu” dưa hấu miền Trung và hành tím ở Sóc Trăng từ đầu tháng 4-2015 đến nay, như tạo được dấu mốc chia sẻ giữa người tiêu dùng với nông dân vất vả làm ra sản phẩm nông sản. Đó là “sự giải cứu” đáng trân trọng của người tiêu dùng chủ yếu ở thị thành giúp nông dân bán được nông sản. Song, những cuộc “giải cứu” thế này không thể kéo dài mãi được, mà cần nhìn lại vấn đề bức xúc hiện nay là một khoảng trống lớn của kênh phân phối.

Câu chuyện chua xót nhất là việc giá dưa hấu tại ruộng trung bình chỉ 3.000 đồng/kg, nhưng khi đến tay người tiêu dùng đội lên thành 15.000 đồng/kg (gấp 5 lần) là một điển hình. Theo một số đại lý dưa tại TPHCM, dưa chuyển về các khu vực thành thị có giá chênh lệch hẳn so với thu mua tại ruộng vì qua nhiều khâu trung gian. Ngoài mối thu tận ruộng, dưa qua chủ buôn rồi mới đến đại lý, từ đại lý xuất đi các vùng khác. Mỗi kg dưa đổ buôn, khâu trung gian phải lãi từ 200 - 1.000 đồng, dưa lấy mối lẻ phải lãi hơn gấp đôi. Vì vậy, dù dưa tại ruộng ế, nhưng giá đến tay người dùng vẫn cao.

Tương tự, giá lúa theo “thống kê” của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hiện nay là: lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.200 - 5.300 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.450 - 5.550 đồng/kg… Với mức giá này, nhìn bề ngoài, nông dân có thể đạt lợi nhuận khoảng 30%. Nhưng trên thực tế, giá lúa này được quy ra từ giá gạo thu mua của doanh nghiệp, còn giá bán thực tế của nông dân thì thấp hơn. Nguyên nhân chủ yếu là kênh tiêu thụ hiện nay phải thông qua nhiều tầng nấc trung gian, đi lòng vòng từ thương lái nhỏ khi mua lúa trong kênh rạch mang ra bán cho lái lớn, rồi đến nhà máy xay xát, doanh nghiệp gạo, sau đó mới đến doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nhiều mặt hàng nông sản như trái cây, thủy sản… cũng không thoát khỏi qui luật này. Có thể các doanh nghiệp nhà nước đã “bỏ quên” kênh phân phối này. 

Do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mưa bão, lũ lụt nên nông dân trở thành nhóm sản xuất rất dễ bị tổn thương. Biến đổi khí hậu là một thách thức, nông dân chịu tác động mạnh. Thiếu hệ thống bảo hiểm rủi ro, giao thông đi lại khó khăn; thiếu vốn, thiếu tài sản, trình độ học vấn thấp và thiếu khả năng tiếp cận tín dụng. Nông dân là người chịu tác động mạnh nhất khi các yếu tố đầu vào tăng giá, họ cũng là nạn nhân của sự lạm phát tăng vọt. Khi giá lúa tăng, họ cũng không phải là người được hưởng lợi trọn vẹn, nhưng khi giá lúa sụt giảm thì thiệt hại của họ lại rất lớn.

TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ phân tích, để người trồng lúa ít thua thiệt cần trang bị cho họ có trình độ cao hơn trong kinh doanh. Họ cần được học về quản trị kinh doanh, biết sử dụng máy tính để truy tìm thông tin, biến động thị trường và năng lực dự báo, thậm chí là từ việc lúa mì lên giá cho đến bão lụt ở một nơi xa xôi nào đó của các quốc gia tiêu dùng lúa gạo... Nếu nông dân được học, hiểu biết nhiều hơn về kinh doanh, về quản trị thì họ sẽ nhận thấy được lợi ích do công nghệ thông tin mang lại trong việc quản lý đồng ruộng, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất. Lúc đó sẽ có sự thay đổi về chất trong nông nghiệp, nông thôn. Các công ty xuất khẩu nên đi đầu trong việc đầu tư này, nếu muốn hưởng lợi một cách bền vững nhờ vào hoạt động kinh doanh lúa gạo. Đồng thời giải quyết câu hỏi vì sao Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều, nhưng thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn thấp.

Trung tuần tháng 4-2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đối diện nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều điểm yếu.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay không đơn thuần qui hoạch hợp lý giữa qui mô sản xuất gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ, các tiến bộ kỹ thuật, chính sách… mà phải tái cơ cấu lại hệ thống kênh phân phối. Trong đó việc làm cấp thiết là phải có một hệ thống phân phối nông sản hợp lý từ đồng ruộng đến “sạp bán”, hạn chế tối đa các trung gian không cần thiết.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục