Làm gì để nông dân hết nghèo?

Ngành lúa gạo cần tái cơ cấu hay tái cấu trúc? Cần làm gì để nông dân Việt hết nghèo? Đó là câu hỏi của GS-TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặt ra tại hội thảo “Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam” diễn ra vào ngày 28-1 ở TPHCM do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức.

Ngành lúa gạo cần tái cơ cấu hay tái cấu trúc? Cần làm gì để nông dân Việt hết nghèo? Đó là câu hỏi của GS-TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặt ra tại hội thảo “Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam” diễn ra vào ngày 28-1 ở TPHCM do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức.

Theo GS-TS Nguyễn Văn Bộ, tái cơ cấu chỉ là vấn đề tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, trong khi tái cấu trúc liên quan đến vấn đề thể chế, hệ thống ngành hàng… Vấn đề của ngành hàng lúa gạo hiện nay không dừng lại ở việc sản xuất; lúa gạo không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật hay kinh tế mà là ngành hàng kinh tế - xã hội, liên quan đến số đông nông dân. Vấn đề hiện nay vượt ngoài tầm của Bộ NN-PTNT, khi xuất khẩu, xúc tiến thương mại là nhiệm vụ của Bộ Công thương, cần xác định vai trò của doanh nghiệp. Đây là giai đoạn nên đứng trên quan điểm thu nhập khi sản xuất lúa. Theo đó, thu nhập tính trên diện tích sản xuất và thu nhập hộ nông dân trồng lúa. 30 năm đổi mới, sản lượng lúa tăng xấp xỉ 1 triệu tấn/năm, vậy thu nhập của người nông dân có tăng tương xứng? Lâu nay mọi người quen nhìn vào thành tựu sản xuất mà ít quan tâm đến đời sống người làm ra hạt lúa.

Ông Trần Văn Làm, Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, chính sách đổi mới đã giúp nông dân làm cuộc cách mạng về năng suất và sản lượng lúa gạo, nhưng cần trả lời câu hỏi tại sao năng suất, sản lượng tăng mà ít có hộ nông dân để “sổ đỏ” ở nhà? Đề án tái cơ cấu cần tìm ra động lực mới để có thể làm cuộc “cách mạng đầu vào và đầu ra” lúa gạo, cũng như không để người dân trong nước ăn gạo giá cao mà gạo xuất khẩu lại bán giá thấp.

Theo TS Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ trình độ, bản lĩnh, cũng như khách hàng chưa đủ tin tưởng để có thể xây dựng thương hiệu hạt gạo bán 900 USD/tấn như Thái Lan do đặc thù giống gạo thơm của Thái Lan dài ngày, trồng 1 vụ/năm, lúa gạo Việt Nam là loại ngắn ngày, 3 vụ/năm, nông dân tự giữ giống, doanh nghiệp tự pha trộn nhiều giống gạo để xuất. Nhà nước vào cuộc để có chính sách làm sao bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hạt giống để nhà khoa học có động lực nghiên cứu, lai tạo.

TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, chuyên gia cao cấp FAO (Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc) cho rằng, không chạy theo số lượng hay xuất khẩu bao nhiêu gạo mà là bảo đảm an ninh lương thực trước biến đổi khí hậu, thiên tai, tình huống xấu; cần tập trung nâng cao chất lượng, lấy nông dân làm trung tâm.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục