Không thể ngậm bồ hòn…

Trong kinh doanh, việc hủy hợp đồng vì nhiều lý do sau khi đã ký không phải là chuyện hiếm, đặc biệt với các mặt hàng nông sản. Thật ra, khi có biến động về giá, một số nhà nhập khẩu lớn nước ngoài, trong quá trình giao dịch hai bên có thể đàm phán lại để tìm ra giải pháp mới, nếu không giao hàng đúng hạn thì có thể thỏa thuận bồi thường hợp đồng, cũng có thể kéo thời gian giao hàng hơn, hoặc sẽ giao hàng vào thời điểm thích hợp… Đây là cách làm ăn của những doanh nghiệp (DN) có uy tín nhằm bảo vệ lẫn nhau. Nhưng cũng có 5 - 7 loại khách hàng.

Trên thực tế, điều này xảy ra cả với DN trong nước và DN nước ngoài khi thị trường có những biến động, nhất là về giá cả. Còn nhớ, mấy năm trước, khi giá nhân điều thế giới tăng đột biến, DN trong nước lúc ký với giá không phải thấp, nhưng do giá quốc tế tăng quá nhanh, một số DN Việt Nam không thể mua nguyên liệu giá cao về chế biến và giao hàng theo hợp đồng giá thấp để chịu lỗ nên phải “xù”. Tất nhiên, điều này ảnh hưởng lớn đến uy tín của DN, nếu không nói đến cả ngành điều Việt Nam.

Không chấp nhận việc bị hủy một lượng hợp đồng khá lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, những nhà nhập khẩu hàng đầu châu Âu, Bắc Mỹ… đến Việt Nam để làm cho ra chuyện. Họ làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) để thương thảo và cảnh báo hậu quả. Thế nhưng sau đó, khi giá nhân điều giảm, đến lượt DN Việt Nam bị nhà nhập khẩu “lật kèo” do đã ký giá cao. Một phần vì “há miệng mắc quai”, nhưng một phần vì DN Việt Nam ngại chuyện thưa kiện, tốn kém lại không nắm chắc phần thắng nên chấp nhận “ngậm bồ hòn…”.
 
Thời gian gần đây, DN ngành lương thực đã gặp chuyện này, khi bị DN nước ngoài hủy đến 938.000 tấn gạo trong 7 tháng, đến mức Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu gạo, một lượng gạo hợp đồng đã ký bị hủy lại nhiều đến như vậy mà không bồi thường. Số lượng hợp đồng bị hủy chủ yếu từ Trung Quốc. Khi giá gạo thế giới sụt giảm họ tìm mọi cách không nhận hàng, nếu DN Việt Nam muốn giao hàng phải ký lại hợp đồng giá thấp hơn.

Thật ra, VFA đã nhiều lần cảnh báo, đây là thị trường nhiều tiềm năng nhưng tiềm ẩn đầy rủi ro, phải hết sức thận trọng và chặt chẽ trong các khâu đàm phán, giao hàng và thanh toán hợp đồng. Không ít trường hợp, DN Việt Nam do áp lực về vốn, lượng gạo tồn kho, nôn nóng muốn bán với các điều khoản không chặt chẽ, vì vậy khi xảy ra chuyện không kiện được. Nhưng do các DN Việt Nam với tâm lý ngại đụng chạm nên không kiện vì đây là cả quá trình phải đeo đuổi các DN không muốn dính vào.

Tuy nhiên, theo VFA, có những lúc cũng cần phải kiện để bảo vệ quyền lợi của DN, để giảm bớt thông lệ xấu. Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh lại việc ký hợp đồng cũng như khách hàng nhằm tránh thiệt hại cho DN.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục