Cần Giờ: Nước sạch còn lắm nhiêu khê

Việc đưa được nguồn nước sạch từ hệ thống của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) vượt sông Nhà Bè về huyện Cần Giờ là quyết tâm lớn của lãnh đạo TPHCM trong việc cung cấp nước sạch cho người dân huyện biển, chưa có điều kiện để phát triển dù có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, thủy sản, nuôi yến… do cách trở với nội thành bởi hệ thống sông rạch chằng chịt, đi lại khó khăn.
Cần Giờ: Nước sạch còn lắm nhiêu khê

Việc đưa được nguồn nước sạch từ hệ thống của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) vượt sông Nhà Bè về huyện Cần Giờ là quyết tâm lớn của lãnh đạo TPHCM trong việc cung cấp nước sạch cho người dân huyện biển, chưa có điều kiện để phát triển dù có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, thủy sản, nuôi yến… do cách trở với nội thành bởi hệ thống sông rạch chằng chịt, đi lại khó khăn.

        Chất lượng nước không đều

Tại buổi làm việc giữa huyện Cần Giờ với Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) HĐND TPHCM tuần qua, lãnh đạo Sawaco cung cấp số liệu khá ấn tượng, trên 99% hộ dân huyện sử dụng nước máy! Vượt xa so với 5 huyện khác như Nhà Bè (hơn 70%), Hóc Môn (6%), kể cả một số quận như Bình Tân, quận 12… Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn mới thấy, chưa thể mừng với con số này.

Nhân viên Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ vận hành đường ống cấp nước phục vụ người dân. Ảnh: CAO THĂNG
Nhân viên Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ vận hành đường ống cấp nước phục vụ người dân. Ảnh: CAO THĂNG        

Nhu cầu sử dụng nước toàn huyện khoảng 8.000m³/ngày, nguồn nước do Sawaco cung cấp hiện nay khoảng 3.500m³/ngày. Hộ dân nào sử dụng nước trực tiếp từ Sawaco hoặc với đầu mối mua nước Sawaco giá 5.300 đồng/m³. Số còn lại từ đầu mối xã hội hóa với 37 vệ tinh cung cấp nước, có trước khi nguồn nước của Sawaco cung cấp với nhiều mức giá khác nhau. Từ trên 10.000 đồng/m³, đa phần là vài chục ngàn đồng/m³, thậm chí lên đến 110.000 đồng/m³ như hộ anh Nguyễn Ngọc Nam, ấp Bình Lợi, xã Bình Khánh đã báo với đoàn Ban KT-NS HĐNDTP khi đến tìm hiểu tại chỗ.

Nhưng điều đáng nói hơn, chất lượng nước không đồng đều, nếu như nước từ nguồn của Sawaco đảm bảo các chỉ tiêu vi sinh; nước từ nhiều nguồn khác lại là điều băn khoăn của huyện và người dân, có nguồn nước chỉ dùng để tắm, giặt, không thể ăn uống, nấu nướng do bị nhiễm mặn, giặt đồ trắng thành vàng. Thậm chí nước nguồn sạch nhưng bị mất vệ sinh do quá trình vận chuyển bằng sà lan, ghe bầu hay các đầu mối không thường xuyên vệ sinh bồn chứa, phát sinh rêu…

Cần Giờ là huyện không có nguồn nước ngầm tại chỗ nên cùng với điện và đường, nước sạch cho người dân luôn là điều băn khoăn của chính quyền huyện và TP, cũng là mong ước của người dân từ lâu. Khi con đường nối liền các xã (trừ xã đảo Thạnh An) và hệ thống điện quốc gia vươn đến vùng đất này thì vấn đề nước ngọt càng trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Nguồn nước cung cấp cho Cần Giờ lúc đó từ 2 nguồn: Từ họng nước Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận với khoảng 70.000m³/năm, và từ các giếng khoan xã Phước Lý và xã Phước Thái, huyện Long Thành và Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, vận chuyển về đầu mối các nơi của huyện. Sau này có thêm nguồn nước từ Nhà máy nước Đặng Đoàn Nguyễn xã Tam Thôn Hiệp, lấy nước tại chỗ xử lý.

Đa phần những nguồn này được 37 đầu mối xã hội hóa, trong đó có 7 đầu mối từ các đơn vị nhà nước với hệ thống đường ống lắp đặt đến các khu dân cư tập trung. Nhưng do quá nhiều đầu mối với cách thiết kế, đường kính ống nước và thi công không giống nhau, nên khi đường ống nước của Sawaco vượt sông về đến thị trấn Cần Thạnh, các đầu mối này không thể đấu nối trực tiếp vào đường ống của Sawaco.

        Đáp ứng nhu cầu của người dân

Phó Tổng Giám đốc Sawaco Võ Quang Châu cho biết, Sawaco có khả năng cung cấp mỗi ngày 30.000m³ - 40.000m³, nhưng hiện nay mới cung ứng 3.500m³/ngày do chỉ có thể cung cấp nước trực tiếp ở những khu dân cư tập trung đông như Cần Thạnh, Long Hòa, Bình Khánh… Để từng bước mở rộng việc cung ứng, từ nay đến hết năm 2014, Sawaco sẽ thi công các dự án lắp đặt đường ống nhánh dẫn nước đến khu dân cư tập trung xã Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh và Lý Nhơn với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng, cung cấp nước cho hơn 7.000 dân sử dụng.

Do đặc điểm người dân ở khu vực nông thôn sống rải rác nhiều nơi nên không thể đầu tư đường ống đến tất cả nhà dân mà chỉ có thể đầu tư thêm các họng nước, sau đó dùng xe bồn chở nước đến cung cấp cho dân theo từng khu vực như cách làm tại huyện Nhà Bè trước đó sẽ hiệu quả và khả thi hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Sơn cho rằng, chưa thể nhanh chóng chấm dứt vai trò các đầu mối như hiện nay mà chỉ có thể thu hẹp dần với lộ trình từng giai đoạn đến năm 2015 và 2020. Theo đó, huyện đề nghị Sawaco từng bước đầu tư hệ thống đường ống nhánh, thay thế dần các vệ tinh hiện hữu, tiếp nhận việc bàn giao một số đầu mối sau khi đã thống nhất về khấu hao, xác định lại giá trị tài sản. Đồng thời Sawaco mở thêm các họng nước đến gần khu dân cư hơn để rút ngắn cự ly vận chuyển, giúp giảm dần giá bán quá chênh lệch như hiện nay đến người dân.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban KT-NS HĐND TPHCM đồng ý với phương án này, và cho rằng, mỗi năm TP bỏ ra hơn 50 tỷ đồng để bù chi phí giá nước (chủ trương từ đầu những năm 2000), trong đó, hơn 50% bù chi phí vận chuyển, nên chăng dùng số tiền này để đầu tư vào việc xây dựng đường ống chính của Sawaco, để đáp ứng nhu cầu chính đáng người dân Cần Giờ sử dụng nước ngọt đúng tiêu chuẩn như nội thành càng sớm càng tốt.

Một thực trạng khác cần giải quyết, đó là Nhà máy nước Đặng Đoàn Nguyễn, khi chưa có nguồn nước Sawaco đã góp phần đáng kể vào việc cung ứng nước cho người dân xã Tam Thôn Hiệp và một số nơi khác, nhưng giờ đây, nhà máy gặp rất nhiều khó khăn. Do xử lý nước lợ tại chỗ nên giá thành rất cao và chất lượng nước không đồng đều khi độ mặn nguồn nước tại chỗ ngày càng cao, khiến nhà máy khó duy trì nguồn nước ổn định và người dân ngày càng e ngại sử dụng.

Lãnh đạo huyện Cần Giờ đề nghị TP sớm có chủ trương và giải pháp kết thúc vai trò của nhà máy nhưng cần xem xét lại một cách hợp lý.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục