“Chim sợ cành cong”

Lượng đường trong nước dư thừa và ngành mía đường (MĐ) đang như “chim sợ cành cong” khi biết sẽ có thêm 300.000 - 400.000 tấn đường từ Lào theo dạng tạm nhập và tái xuất qua đường tiểu ngạch như các doanh nghiệp MĐ đang làm.
“Chim sợ cành cong”

Lượng đường trong nước dư thừa và ngành mía đường (MĐ) đang như “chim sợ cành cong” khi biết sẽ có thêm 300.000 - 400.000 tấn đường từ Lào theo dạng tạm nhập và tái xuất qua đường tiểu ngạch như các doanh nghiệp MĐ đang làm.

        Hai bên sẽ gặp nhau

Theo khảo sát của Hiệp hội MĐ Việt Nam (VSSA), hàng ngày có khoảng 20 xe vận chuyển gần 800 tấn đường lậu từ tỉnh Vĩnh Long về TPHCM. Ước tính mỗi năm khoảng 500.000 tấn đường lậu, chiếm 1/3 thị trường tiêu thụ trong nước. Trong lúc mỗi năm lượng đường lậu bị tịch thu ở mức 1.000 tấn. Đã vậy còn xuất hiện tình trạng đường tạm nhập tái xuất, theo số liệu của Hải quan, từ năm 2011 đến tháng 6-2013, phát hiện 102 vụ vi phạm của hơn 100 DN tham gia kinh doanh tạm nhập tái xuất đường. Những điều đó tăng sức ép lên ngành MĐ trong nước, cung vượt cầu, tồn kho cao, trầy trật lắm mới được Bộ Công thương cho xuất tiểu ngạch qua cửa khẩu Bản Vược (Lào Cai) mà theo dân trong nghề, thực chất cũng chỉ là xuất lậu vào Trung Quốc như cách đường lậu Thái Lan vào Việt Nam. Nay, khi nghe thông tin có thêm 30.000 - 40.000 tấn đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đưa từ Lào về Việt Nam cũng dạng này, VSSA đã phản ứng.

Việc nhập khẩu đường cần quan tâm đến cuộc sống nông dân. Ảnh: Thiên Minh

Việc nhập khẩu đường cần quan tâm đến cuộc sống nông dân. Ảnh: Thiên Minh

Việc lùm xùm giữa VSSA với Tập đoàn HAGL thời gian qua trên báo chí vô tình làm tình hình thêm căng thẳng. Ngay tại buổi họp Ban Chấp hành mở rộng các thành viên VSSA cũng cho rằng, không thể cấm cửa HAGL, vì xét cho cùng cũng là người Việt làm ra, cũng là DN Việt Nam đầu tư. Vấn đề ở đây là bàn cách nào có thể giải quyết ổn thỏa cho cả đôi bên. 2 bên nên gặp nhau, giải quyết những hiểu lầm nếu có để cùng đi đến sự thống nhất. Ông bà ta có câu, “nhập gia tùy tục”, vì vậy, ngay cuộc họp đó, khi các thành viên đặt câu hỏi, bên nào chủ động trước? Với tư cách Chủ tịch VSSA, ông Nguyễn Thành Long đề xuất sẽ gặp bên HAGL.

Trong khi đó, trả lời báo chí, Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức cũng cho biết sẽ gặp VSSA để trao đổi. 2 bên đã tỏ rõ thiện chí. Chỉ có gặp nhau, trao đổi mới có hướng giải quyết, không thể lùm xùm mãi.

        Chung niềm tự hào

Tại cuộc họp Ban Chấp hành mở rộng của VSSA cuối tuần qua, có hội viên VSSA “khâm phục”, lẫn “tự hào” vì có người Việt làm ra hạt đường cạnh tranh với cả Brazil và Thái Lan, hai nước đứng nhất nhì thế giới về chế biến và xuất khẩu đường. Đầu tư rất bài bản vùng nguyên liệu mía, với công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa các khâu trong quá trình chăm sóc, thu hoạch mía và cho ra hạt đường với chất lượng rất cao, giá thành thấp. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP (tỉnh Phú Yên), ông K.V.S.R Subbaiah, cho rằng, cánh đồng mía của HAGL ở Lào có thể xếp vào loại hiện đại nhất nhì thế giới hiện nay về các mặt. Ngay cả DN chế biến đường của Thái Lan cũng phải e dè một khi HAGL mở rộng thêm diện tích trồng mía và nhà máy tại Lào.

Hầu như ai làm ngành chế biến đường cũng biết, Brazil là nước có giá thành sản xuất đường thấp nhất, năng suất bình quân khoảng 100 tấn/ha/vụ, chữ đường trung bình 14ccs, tỷ lệ thu hồi 13 - 14 tấn đường/ha mía. Theo Tổ chức Đường quốc tế - ISO (International Sugar Organization), giá thành mía của Brazil niên vụ 2012 - 2013 khoảng 32USD/tấn, giá thành đường khoảng 416 USD/tấn (hơn 8.000 đồng/kg), nên đường Brazil có tính cạnh tranh nhất. Năng suất mía của Thái Lan cũng ở mức 90 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thu hồi từ 11 - 12 tấn đường/ha mía, giá thành đường từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Ở Việt Nam với năng suất mía khoảng 60 tấn/ha/vụ, con số tương đương khác là 5,7 tấn đường/ha mía nên giá thành từ 12.000 đồng/kg trở lên. Nếu lợi nhuận gộp ngành đường ở Lào lên hơn 64% như báo cáo tài chính của HAGL sẽ là con số rất cao so với thế giới, ngành MĐ Việt Nam chỉ đạt 12% - 16%. Phải chăng vì những điều này mà Thái Lan e dè?

Nhưng để niềm tự hào này còn bay xa hơn, ai cũng mong muốn hạt đường do người Việt làm ra có thể xuất khẩu chính ngạch đi các nước, hiện diện ở những thị trường khó tính nhất như châu Âu… cạnh tranh sòng phẳng với 2 cường quốc về đường trên thế giới. Lãnh đạo HAGL trước đó cũng đã xác nhận, hạt đường từ Lào bán đi các nước dễ dàng hơn ở Việt Nam. Lào là quốc gia được Cộng đồng chung châu Âu (EC) đưa vào nhóm nước ưu đãi thuế quan nhập khẩu EBA tháng 3-2011. Từ Việt Nam, muốn xuất khẩu phải xin phép nhưng Lào thì không vì thuộc diện nước nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, xuất khẩu bao nhiêu cũng được. Đường từ Lào bán vào EU không thuế, không quota. Đường HAGL ở Lào có đủ điều kiện về chất lượng và giá thành để xuất khẩu đi châu Âu. Như vậy, HAGL tại Lào trước hết cần khai thác lợi thế từ kênh tiêu thụ này để mở hướng đột phá cho đường của người Việt làm ra. Làm được điều này sẽ là niềm tự hào thật sự của người Việt!

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục