Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa? - Phải bảo vệ đất lúa

Sau khi loạt bài “Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa” đăng tải, Báo SGGP đã nhận được nhiều thông tin phản hồi của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như cơ quan chức năng ủng hộ chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa của Quốc hội và Chính phủ.
Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa? - Phải bảo vệ đất lúa

Sau khi loạt bài “Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa” đăng tải, Báo SGGP đã nhận được nhiều thông tin phản hồi của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như cơ quan chức năng ủng hộ chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa của Quốc hội và Chính phủ.

  • PGS-TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng): Tìm lối đi cho nông dân mất đất

Trong những năm qua, phong trào đô thị hóa, công nghiệp hóa do chưa đặt trong tầm nhìn dài hạn và tính toán kỹ, đã làm chuyển đổi khá nhiều diện tích đất đai màu mỡ, có lợi thế trồng lúa nước. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới sản lượng lúa làm ra mà còn gây xáo trộn đời sống của nhiều nông dân. Theo tôi, hiện nay chúng ta đặt ra mục tiêu chỉ giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Tức là lộ trình từ nay đến năm 2020, vẫn còn xảy ra quá trình thu hồi đất đai để phục vụ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tức là vẫn còn có nhiều nông dân sẽ bị mất đất sản xuất.

Vì vậy, tìm lối đi cho nông dân mất đất, tạo điều kiện sống mới cho bà con sau thu hồi, chuyển đổi đất nông nghiệp là yêu cầu đặt ra cấp bách hiện nay. Tôi cho rằng, công nghiệp hóa là cần thiết, nhưng cùng với chính sách thu hồi đất nông nghiệp, phải thực hiện thật tốt chính sách hỗ trợ nông dân học nghề, tạo việc làm... Phải thực sự giúp con em nông dân vào làm việc ổn định và có thu nhập đảm bảo cuộc sống tại các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng trên ruộng đồng của họ. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận của người nông dân.

Thậm chí theo tôi, cần phải có hẳn một chương trình quốc gia về vấn đề nông dân không có đất sản xuất. Cần phải coi việc giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người nông dân trong quá trình thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp là một chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nông dân cần được hỗ trợ khi bị mất đất trồng lúa. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Nông dân cần được hỗ trợ khi bị mất đất trồng lúa. Ảnh: BÌNH ĐẠI

  • Ông SAMARENDU MOHANTY, chuyên gia nông nghiệp Viện Nghiên cứu lúa quốc tế: Nạn đói vẫn rình rập trên thế giới

An ninh lương thực đang trở thành vấn đề cấp bách ở nhiều nước trên thế giới. Dự báo trong những năm tới, những bất ổn như hạn hán, động đất, sóng thần, diện tích đất chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng khác, tăng giá dầu thô... sẽ là những thách thức đối với an ninh lương thực thế giới.

Từ năm 2010, khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng tới sản lượng ngũ cốc toàn cầu. Nếu như tháng 5-2010, sản lượng ngũ cốc trên toàn thế giới đạt tới 2.260 triệu tấn thì tới tháng 1-2011 đã giảm còn 2.180 triệu tấn. Trong khi đó, lượng gạo tiêu thụ của thế giới từ 340 triệu tấn (năm 1990-1991) đã tăng lên 460 triệu tấn giai đoạn 2010-2011. Đó là chưa kể các quốc gia đang xuất khẩu lớn như Thái Lan có xu hướng quay sang dự trữ. Trên thế giới hiện vẫn còn 44 triệu người bị nghèo đói.

Với điều kiện phát triển như hiện nay, các quốc gia ASEAN sẽ trở thành khu vực xuất khẩu gạo lớn của thế giới, trong đó Việt Nam là nhân tố chính. Nếu ổn định và giữ vững được diện tích trồng lúa nước như hiện nay, cùng với đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, cải tạo giống thì có thể năm 2019, Việt Nam sẽ trở thành nước số 1 về xuất khẩu gạo trên thế giới.

  • Ông PHAN HUY THÔNG, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Không thể lạc quan nếu mất đất lúa

Mục tiêu an ninh lương thực quốc gia không chỉ nên tính trong 20, 30 năm mà phải tính cả 100, 200 năm sau hoặc lâu hơn nữa, làm sao không chỉ đời sống của chúng ta mà còn của con, cháu và các thế hệ mai sau cũng phải được đảm bảo.

Mặc dù các chuyên gia đưa ra kịch bản xấu nhất là còn 3 triệu ha đất lúa, vậy khi nước biển dâng, xâm nhập mặn... xảy ra lấn vào đất lúa thì chúng ta còn đất đâu mà trồng lúa? Hiện nay, các kịch bản đưa ra đến năm 2030 cho ngành sản xuất lúa gạo mới chỉ đơn thuần tính toán trong điều kiện bình thường. Nhưng trên thực tế, chúng ta phải khẳng định một điều là còn rất nhiều yếu tố khác tác động tới sản xuất lúa, diện tích đất trồng lúa như thời tiết luôn diễn biến khó lường.

Trước đây, chưa bao giờ nước ta trải qua những đợt rét lịch sử như năm 2008 và 2011. Vậy, trong tương lai diễn biến thời tiết như thế nào cũng chưa có ai chắc chắn...

  • PGS-TS TRẦN THỊ MINH CHÂU, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất

Hiện nay, Nhà nước toàn quyền quy hoạch và thu hồi đất nông nghiệp để chuyển thành đất đô thị hoặc đất kinh doanh mà nông dân không có quyền thỏa thuận giá đất bị thu hồi, cũng như không có quyền phản đối hoặc đòi hỏi đền bù thỏa đáng quyền lợi của mình. Trường hợp đất thu hồi để làm các công trình công cộng như đường sá, công trình thủy lợi thì không có mặt bằng giá mới nên người nông dân không cảm nhận được thiệt thòi của họ.

Nhưng khi thu hồi đất để chuyển thành khu đô thị theo cách giao cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng rồi bán nền, bán nhà sẽ làm xuất hiện mặt bằng giá quyền sử dụng đất phi nông nghiệp, thường cao hơn giá đất nông nghiệp nhiều lần. Trong khi đó, đáng lo ngại là trong những năm gần đây, trên thị trường lại xuất hiện tình trạng đầu cơ đất ngày càng phát triển. Chính nạn đầu cơ đất đã gây nên những “cơn sốt đất” và càng tạo điều kiện để đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất trồng lúa bị “nhòm ngó”, chuyển đổi ồ ạt.

Đã vậy, chính sách đền bù đất bị thu hồi cho người nông dân hiện nay lại nảy sinh nhiều bất cập, không đồng nhất. Trước hết là giá đền bù còn thấp. Nhiều khi, nhiều nơi dự án thuận lợi thì chỉ đền bù theo giá nhà nước, nhưng khi dự án khó khăn thì để nhà đầu tư phụ thêm tiền đền bù theo giá thỏa thuận với nông dân.

Để khắc phục, cần ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất như hiện nay. Thay đổi chính sách giá quyền sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi theo hướng coi trọng hơn lợi ích của người dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia thỏa thuận giá đất đền bù, phân bổ lợi ích hợp lý giữa doanh nghiệp và nông dân. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng vẫn là phải có chính sách bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, hạn chế chuyển đất nông nghiệp sang xây dựng đô thị, nhà ở, công sở. Hạn chế xây dựng các khu công nghiệp xen kẽ với các diện tích canh tác nông nghiệp để giảm thiểu tác động ô nhiễm không mong muốn, cũng như không được phá vỡ hệ thống thủy lợi đã xây dựng. 

VĂN PHÚC 

Cần quy hoạch tổng thể việc sử dụng đất nông nghiệp
 

Tuy là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia nằm trong điểm “nóng” về an ninh lương thực ở châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc sản xuất lương thực bền vững ở Việt Nam càng phải được coi trọng. Cây lúa vẫn luôn là thế mạnh của nền nông nghiệp và cần được lưu truyền đến muôn đời sau.

Trong kỳ họp thứ hai mới đây, Quốc hội khóa XIII đã chấp thuận một chỉ tiêu lớn, quan trọng của Bộ NN-PTNT là đến năm 2020 giữ lại hơn 26,7 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa hơn 3,8 triệu ha. Quyết tâm giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2020 của Quốc hội vào thời điểm này là sáng suốt nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Tất nhiên, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn mà muốn thực hiện được cần có sự chung sức từ Chính phủ, các nhà quy hoạch, các doanh nghiệp và đặc biệt là nông dân. Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể việc sử dụng đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nói riêng với tầm nhìn dài hạn. Chính phủ cũng cần phân công nhiệm vụ và giao trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan chức năng, có những báo cáo chính xác, kịp thời theo từng năm.

Với những nỗ lực từ Chính phủ và sự góp sức từ nhân dân, hy vọng diện tích đất trồng lúa ở nước ta sẽ được bảo tồn. Bởi lẽ ở Việt Nam, trồng lúa không chỉ là một nghề mà đó còn là truyền thống dân tộc được lưu truyền hàng ngàn đời nay. Bảo vệ diện tích đất trồng lúa cũng là bảo vệ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

MẠNH TÙNG (Thủ Đức, TPHCM)

Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa?

- Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Sớm có chính sách cho người trồng lúa

- Không thể “đẻ” thêm đất lúa

- Những chính sách “rắn”

- Đề nghị thu hồi quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa của cấp tỉnh

- Bài 1: Đã mất bao nhiêu bờ xôi ruộng mật?

- Bài 2: Nỗi niềm nông dân mất đất

- Bài 3: Khi làng hóa phố

- Bài 4: Hệ lụy ô nhiễm môi trường

- Bài 5: An ninh lương thực là vấn đề cốt lõi

Tin cùng chuyên mục