Mất ngủ vì lúa

Lúa hàng hóa vụ thu đông muộn, đông xuân sớm ở ĐBSCL đang ế ẩm, khiến nhiều nông dân lâm cảnh khó ngay thời điểm năm hết tết đến. Ngành nông nghiệp đang “mất ngủ” khi vụ đông xuân 2011- 2012, nông dân các tỉnh thành ĐBSCL chạy đua xuống giống lúa phẩm cấp thấp, nhất là giống IR 50404.

Lúa hàng hóa vụ thu đông muộn, đông xuân sớm ở ĐBSCL đang ế ẩm, khiến nhiều nông dân lâm cảnh khó ngay thời điểm năm hết tết đến. Ngành nông nghiệp đang “mất ngủ” khi vụ đông xuân 2011- 2012, nông dân các tỉnh thành ĐBSCL chạy đua xuống giống lúa phẩm cấp thấp, nhất là giống IR 50404.

  • Đứng ngồi không yên

Hơn 1 tháng qua tại nhiều địa phương ở ĐBSCL như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang… nông dân lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bán lúa giá rẻ để trả tiền vật tư nông nghiệp, đặc biệt là lo cho vụ đông xuân mới, đồng thời chuẩn bị mua sắm tết. Do giá lúa sụt nên nhiều hộ bấm bụng trữ lại nhưng tâm trạng thấp thỏm, vì trữ lâu sẽ có nguy cơ thất thoát, ẩm mốc, rớt phẩm cấp, giá càng thấp…

Chúng tôi về xã Trường Thọ và Nhị Trường (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), đâu đâu cũng gặp cảnh nông dân thu hoạch lúa chất đầy nhà - chờ giá. Ông Nguyễn Văn Hải, xã Trường Thọ phản ánh: “Vừa thu hoạch hơn 5 tấn lúa IR 50404, phơi khô rồi nhưng thương lái trả có 5.300 đồng/kg, thấp quá nên để lại. Dân ở đây, phần lớn sử dụng giống IR 50404, Hàm Châu, Cửu Long… đến lúc thu hoạch gặp giá thấp, ế ẩm, có người neo lại, nhưng không ít hộ bán liền do nợ vây quanh…”.

Theo Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL, vụ đông xuân năm 2011-2012, đến nay nông dân các tỉnh mới xuống giống gần 1 triệu/1,55 triệu ha. Trong số này, tỷ lệ sử dụng các giống lúa phẩm cấp thấp, nhất là IR 50404 rất cao. Thống kế sơ bộ của nhiều địa phương cho thấy ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang… tỷ lệ dùng giống IR 50404 từ 30% - 60% trên tổng diện tích gieo xạ.

Trong lúc lúa vụ trước còn chất đầy nhà thì lúa vụ mới (có nơi đang hoặc chuẩn bị thu hoạch) lại tấn tới; tuy nhiên tỷ lệ sử dụng giống lúa phẩm cấp thấp quá lớn. Điều này làm gia tăng nguy cơ nông dân bị thiệt hại lớn.

  • Lỗi không của riêng ai

Khi mùa vụ bắt đầu, nông dân ĐBSCL thường xuyên đối mặt với tình trạng sốt giá, khan hiếm lúa giống, đặc biệt các giống chất lượng cao. Cụ thể, nông dân Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Tháp đổ về những nơi có nguồn cung ứng giống mạnh như Cần Thơ, An Giang… tìm giống chất lượng cao với giá đắt... Đầu vụ đông xuân 2011-2012, giá nhiều loại lúa giống chất lượng cao, lúa thơm… tăng 2.000- 4.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hiếm.

Vụ đông xuân này, nông dân ĐBSCL xuống giống 1,55 triệu ha, cần khoảng 200.000 tấn lúa giống nhưng khả năng cung ứng của các trung tâm giống ở các tỉnh, những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống tư nhân… đều có hạn.

Không có giống chất lượng cao, nông dân buộc phải trở lại với giống phẩm cấp thấp. Trong đó, lúa IR 50404 là ưu tiên số một. Bởi lẽ, ngay cả “vua” sản xuất lúa giống Dương Văn Châu (Trà Vinh) cũng phải thừa nhận: Có nhiều lý do để nông dân sản xuất lúa IR 50404. Đây là giống lúa ngắn ngày (hơn 80 ngày), phù hợp các vùng sản xuất 3 vụ/năm, dễ thích nghi, chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc… đặc biệt năng suất cao.

Thực tế qua nhiều vụ, nông dân trồng lúa IR 50404 thắng đậm. Như vụ thu đông năm 2011, giá lúa IR 50404 chênh lệch không nhiều so với lúa chất lượng cao, chỉ thấp hơn 100 - 200 đồng/kg. Xét trên 1 đơn vị sản xuất thì dùng giống IR 50404 vẫn lời nhiều hơn.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, để sản xuất lúa gạo phát triển bền vững và nông dân giàu lên từ cây lúa thì còn nhiều việc phải làm. Quan điểm của Đồng Tháp là kéo doanh nghiệp vào cùng tham gia với nông dân - phải đồng hành cùng nông dân từ khâu quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu… 

HUY PHONG

Tin cùng chuyên mục