Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa? - Những chính sách “rắn”

“Doanh nghiệp muốn “cắm” nhà máy, khu đô thị, khu du lịch, sân golf... lên đất lúa thì phải thông qua đấu giá và đền bù ruộng cho nông dân ngang giá thị trường, thậm chí còn đắt hơn cả đất ở”. Đó là những nội dung được nêu ra trong dự thảo Nghị định quản lý đất lúa do Bộ NN-PTNT xây dựng, mà theo quan điểm của các chuyên gia, đây thực sự là “cây gậy pháp lý” đủ rắn để ngăn chặn tình trạng ồ ạt chuyển đổi, xâm phạm đất lúa trong cả nước như hiện nay.
Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa? - Những chính sách “rắn”

“Doanh nghiệp muốn “cắm” nhà máy, khu đô thị, khu du lịch, sân golf... lên đất lúa thì phải thông qua đấu giá và đền bù ruộng cho nông dân ngang giá thị trường, thậm chí còn đắt hơn cả đất ở”. Đó là những nội dung được nêu ra trong dự thảo Nghị định quản lý đất lúa do Bộ NN-PTNT xây dựng, mà theo quan điểm của các chuyên gia, đây thực sự là “cây gậy pháp lý” đủ rắn để ngăn chặn tình trạng ồ ạt chuyển đổi, xâm phạm đất lúa trong cả nước như hiện nay.

  • Đền bù đất lúa ngang giá thị trường

Không chỉ quy hoạch 3,8 triệu ha đất lúa, vạch chỉ giới đỏ trên bản đồ địa chính xuống đến tận xã để đánh dấu những ô thửa ruộng cần giữ lại trồng lúa nước, mà để thực sự có căn cứ pháp lý bảo vệ được những “bờ xôi ruộng mật”, cần phải có những cơ chế, chính sách quản lý cụ thể. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT xây dựng dự thảo Nghị định quản lý đất lúa (mới), nhằm bổ sung Nghị định 69/2009/NĐ-CP đã được ban hành.

Theo dự thảo trên, đất lúa là đất có điều kiện phù hợp để có thể gieo trồng từ một vụ lúa nước trở lên trong một năm. Việc chuyển mục đích sử dụng đối với đất lúa được quy định hết sức chặt chẽ. Trong đó quy định, việc chuyển đất lúa sang mục đích sử dụng khác phải phù hợp theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc, công trình phòng chống giảm nhẹ thiên tai, các công trình công cộng, công trình quốc phòng, an ninh... cần hạn chế tối đa việc sử dụng đất chuyên canh lúa.

Một trong những chính sách “rắn” mà nhiều người ủng hộ là quy định khi chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác như khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, sân golf... thì phải thông qua thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo cơ chế sát giá thị trường, thay vì chính quyền các tỉnh tự ra quyết định thu hồi ruộng rồi bàn giao cho doanh nghiệp lập dự án, với mức giá tiền đền bù giải phóng mặt bằng khá thấp như trước đây.

Theo đó, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất sau khi trừ các chi phí hợp lý cho việc tổ chức đấu giá, sẽ dùng 70% để chi trả bồi thường cho người có đất bị thu hồi và 30% thu vào ngân sách các cấp để phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng và các mục đích kinh tế - xã hội khác.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, cơ quan được giao soạn thảo nghị định nêu trên, cho biết sở dĩ phải đưa ra những quy định “rắn” như vậy là để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lập dự án trên đất lúa.

Dự thảo Nghị định quản lý đất lúa (mới) sẽ giúp nông dân yên tâm sản xuất. Ảnh: CAO PHONG

Dự thảo Nghị định quản lý đất lúa (mới) sẽ giúp nông dân yên tâm sản xuất. Ảnh: CAO PHONG

  • Doanh nghiệp tháo chạy?

Theo TS Lê Đức Thịnh, Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thực tế từ trước khi có dự thảo Nghị định quản lý đất lúa (mới) hiện nay thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 69 quy định về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và bước đầu đã tạo ra một bước ngoặt trong việc bảo vệ đất lúa.

Cụ thể là sau khi có nghị định trên, bắt đầu được áp dụng từ cuối năm 2009, đã làm hàng loạt doanh nghiệp trong cả nước phải “chùn chân” trước tham vọng đua nhau biến các khu vực trồng lúa màu mỡ thành khu đô thị, sân golf, khu du lịch và công nghiệp. Theo đó, quy định mức bồi thường khi thu hồi đất lúa của nông dân đã được nâng lên đáng kể, gấp 1,5 - 5 lần so với trước đây.

Bởi vậy hiện nay, các doanh nghiệp đều “kêu” rằng, giá tiền đền bù đất lúa quá cao cùng với các khoản hỗ trợ kèm theo thực sự là rào cản đối với họ. Cũng vì vậy, nhiều doanh nghiệp “không chịu được nhiệt” cuối cùng phải “đánh bài chuồn”. Chẳng hạn tại tỉnh Bắc Ninh, mặc dù chính quyền đã có chính sách thu hút đầu tư nhưng theo thống kê chưa đầy đủ của Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh, đã có không dưới 10 doanh nghiệp phải “tháo chạy” khỏi địa bàn sau khi Nghị định 69 được áp dụng.

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Trưởng bộ môn Luật kinh tế thuộc ĐHQG Hà Nội cho rằng, việc quy định giá đền bù đất lúa sát giá thị trường mặc dù có thể gây phản ứng cho doanh nghiệp nhưng rõ ràng là một xu thế tất yếu để đảm bảo quyền lợi và công bằng cho người nông dân, cũng như mục tiêu bảo vệ đất lúa. Bởi vì nông dân đã phải chịu nhiều thiệt thòi khi thu hồi đất lúa với giá quá thấp rồi.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết thêm, sau khi Nghị định 69 ra đời, bản thân chính quyền các tỉnh cũng có phản ứng vì cho rằng chính sách như vậy sẽ làm các tỉnh không thu hút được đầu tư để tăng ngân sách, sẽ khó phát triển. Sắp tới, nếu quy định doanh nghiệp phải đấu giá đất trồng lúa thì chuyện tương tự cũng sẽ xảy ra. Nhưng chúng ta cần phải giải quyết hài hòa giữa những lợi ích kinh tế trước mắt và lợi ích lâu dài bền vững, giữa lợi ích của địa phương và cả quốc gia. Đặc biệt là sau những cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, rõ ràng nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế xã hội và chống lạm phát, càng đòi hỏi chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp. Sắp tới, khi dự thảo Nghị định quản lý đất lúa (mới) được Chính phủ phê duyệt thì chắc chắn còn có những chính sách “rắn” hơn nữa để bảo vệ 3,8 triệu ha lúa trong cả nước.

Không chỉ đưa ra những quy định mới nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp ồ ạt “vẽ” dự án trên đất lúa, dự thảo Nghị định quản lý đất lúa (mới) còn bổ sung hàng loạt chính sách để giúp nông dân yên tâm sản xuất lúa gạo, như hỗ trợ các gia đình, cá nhân khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng lúa nước được nhà nước hỗ trợ một lần với mức 30 triệu đồng/ha và cải tạo đất nương rẫy thành ruộng bậc thang trồng lúa nước được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Nông dân cũng được nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để sản xuất lúa. Được hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế lúa gạo.

VĂN NGUYỄN

Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa?

- Đề nghị thu hồi quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa của cấp tỉnh

- Bài 1: Đã mất bao nhiêu bờ xôi ruộng mật?

- Bài 2: Nỗi niềm nông dân mất đất

- Bài 3: Khi làng hóa phố

- Bài 4: Hệ lụy ô nhiễm môi trường

- Bài 5: An ninh lương thực là vấn đề cốt lõi

Tin cùng chuyên mục