Nông nghiệp đô thị TPHCM: Thế mạnh ứng dụng công nghệ cao

° Năm 2011 thu hoạch 900kg tổ yến sào

° Năm 2011 thu hoạch 900kg tổ yến sào

Là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ… ở khu vực phía Nam, những năm qua TPHCM duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao, tỷ trọng GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa chiếm 20%-30% cả nước và có những ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển kinh tế các tỉnh, thành trong khu vực. Duy nhất có lĩnh vực nông nghiệp là TPHCM không thể cạnh tranh về lượng hàng hóa với các tỉnh, do diện tích đất nông nghiệp TP bị thu hẹp qua từng năm bởi đô thị hóa, xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp. Đóng góp của nông nghiệp vào GDP chung của TP cũng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1,2%.

Đất nông nghiệp đang bị thu hẹp nhưng người dân gắn với nông nghiệp vẫn còn nhiều. Hiện ở ngoại thành TPHCM còn có trên 1,2 triệu người với gần 330.000 hộ, số hộ làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ không nhỏ. TPHCM yêu cầu, giá trị sản xuất nông nghiệp của năm sau không chỉ bù vào phần diện tích suy giảm mà còn phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm. Đây là bài toán không dễ có lời đáp nếu như không có chiến lược đúng cho việc phát triển. Chìa khóa của vấn đề này chính là tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, tìm ra những cây - con tạo ra giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích.

Tổng kết năm 2011, Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, ngành nông nghiệp TPHCM đạt cao hơn mức bình quân của cả nước. Theo đó, GDP ngành nông nghiệp TP đạt trên 5.500 tỷ đồng, tăng 6% (cả nước tăng 3%), tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 11.100 tỷ đồng, tăng 6,2% so năm 2010 (cả nước tăng 5,2%).

Trong đó, có thể thấy rõ, những cây-con giá trị kinh tế cao phù hợp với nền nông nghiệp đô thị đã phát huy ưu thế. Diện tích hoa, cây kiểng tại TP khoảng 2.010ha, trong đó lan các loại 210ha; cây kiểng, bon sai có 470ha, tăng 13,3%... Cá cảnh trên 65 triệu con, xuất khẩu 8,86 triệu con, đạt 12 triệu USD... Đây là lĩnh vực TPHCM còn nhiều cơ hội để phát triển. Vật nuôi cũng tạo ra giá trị và lợi nhuận rất cao trong năm qua.

Điển hình là nuôi chim yến, hiện 1kg yến sào bán ra thị trường có giá từ 30 - 40 triệu đồng. Năm 2011, sản lượng tổ yến thu hoạch tại TPHCM đạt 900kg. Ngoài tiềm năng rất lớn ở huyện biển Cần Giờ với trên 30.000ha rừng ngập mặn, hiện ở khu vực dọc sông Sài Gòn, nhất là từ huyện Củ Chi trở xuống quận 9 cũng cho thấy khả năng nuôi, khai thác tổ yến.

TPHCM cần nhanh chóng quy hoạch và có chủ trương cụ thể về tiềm năng này, không để đầu tư tự phát như hiện nay. Với giá trị như vậy, nếu biết khai thác tốt sẽ mang đến giá trị đặc biệt lớn cho ngành nông nghiệp TP.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí khẳng định, nông nghiệp đô thị và vai trò của công nghệ cao (CNC) có ý nghĩa quyết định cho định hướng này. Để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cần có nhiều giải pháp, trong đó, ứng dụng CNC là giải pháp hàng đầu để tạo ra giống cây - con giá trị cao. Thế mạnh của TPHCM là có khoa học công nghệ và đội ngũ nhà khoa học, qua đó tiếp cận CNC để tạo ra cây - con giống đáp ứng được nhu cầu thị trường, kể cả xuất khẩu.

Qua đó, liên kết, hợp tác với các tỉnh trong khu vực để tạo ra vùng sản xuất rộng lớn. Trong đó, TP cung cấp cây con giống, khi thu hoạch sẽ giúp bảo quản, sơ chế và chế biến sâu và đặc TP có một thị trường tiêu thụ rộng lớn.

TP sẽ đẩy nhanh tốc độ và tập trung đầu tư các dự án góp phần vào việc phát triển nông nghiệp đô thị như xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP (quận 12), Trung tâm Triển lãm sản phẩm nông nghiệp (huyện Củ Chi) để tạo sự đồng bộ, liên kết trong việc hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp tại TP và các tỉnh có điều kiện cùng phát triển.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục