Hơn 3,4 triệu tấn phân bón bị rửa trôi mỗi năm

Theo Bộ NN-PTNT, phân bón góp 30% vào hiệu quả sản xuất cây trồng, là một trong những thành tố quan trọng giúp nâng cao năng suất. Cũng như thức ăn chăn nuôi, phân bón chiếm con số không nhỏ trong giá thành sản xuất các loại cây trồng. Nhưng theo Cục Trồng trọt, hiện nay hiệu quả sử dụng phân bón chưa cao, nếu không nói là lãng phí. Khi giải quyết tốt vấn đề này sẽ góp phần vào việc giảm chi phí giá thành, nâng cao lợi nhuận người sản xuất và góp phần vào việc nâng cao sức cạnh tranh cho các loại nông sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo Bộ NN-PTNT, phân bón góp 30% vào hiệu quả sản xuất cây trồng, là một trong những thành tố quan trọng giúp nâng cao năng suất. Cũng như thức ăn chăn nuôi, phân bón chiếm con số không nhỏ trong giá thành sản xuất các loại cây trồng. Nhưng theo Cục Trồng trọt, hiện nay hiệu quả sử dụng phân bón chưa cao, nếu không nói là lãng phí. Khi giải quyết tốt vấn đề này sẽ góp phần vào việc giảm chi phí giá thành, nâng cao lợi nhuận người sản xuất và góp phần vào việc nâng cao sức cạnh tranh cho các loại nông sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Trương Hợp Tác ở Cục Trồng trọt cho biết, qua khảo sát cho thấy, hiệu quả sử dụng phân urê mới đạt 30%-45%, phân lân 40%-45%, kali 40%-50%. Như vậy còn lại 60%-65% lượng urê, tương đương 1,17 triệu tấn; 55%-60% lân khoảng 2,07 triệu tấn và 55%-60% kali khoảng 344.000 tấn chưa được sử dụng, phải thải ra môi trường, vừa gây lãng phí và ô nhiễm. Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Lê Quốc Phong cho biết, từ năm 2006, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam nghiên cứu hiệu quả của hoạt chất Agrotain trên lúa và một số cây trồng cạn như bắp (ngô), khổ qua (mướp đắng), dưa leo và cải xanh ở Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang và TPHCM (huyện Củ Chi).

Sau 2 năm khảo nghiệm hoạt chất Agrotain đã cho kết quả vượt trội, giảm được lượng phân bón urê từ 20%-25%, năng suất lúa lại tăng thêm 320-400kg/ha, qua đó lợi nhuận tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/ha (so với giá lúa năm 2007). Nếu tính theo giá lúa hiện nay thì lợi nhuận còn cao hơn. Trên cây trồng cạn như dưa leo, khổ qua cũng giảm phân urê từ 20%-30%, năng suất cao hơn so với cây không sử dụng phân bón thường.

Vì vậy, năm 2007 Viện Lúa ĐBSCL đề nghị đưa sản phẩm urê trộn hóa chất Agrotain với tên gọi Golden-N để khuyến cáo rộng rãi cho bà con nông dân, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm nhập khẩu urê. Hiện nay một số công ty sản xuất phân bón NPK đưa vào sản xuất theo dạng này, đang góp phần vào việc nâng cao thu nhập cho người dân. Theo ông Lê Quốc Phong, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu làm tăng hiệu lực sử dụng phân bón là điều cần thiết.

Đồng quan điểm này, ông Trương Hợp Tác đề nghị, nên bón phân cân đối, sử dụng phân bón có hoạt chất làm tăng hiệu quả sử dụng như NEB 26 có khả năng tiết kiệm 50% lượng urê sử dụng so với thông thường, Agrotain tiết kiệm khoảng 20% lượng đạm sử dụng.

Ngoài ra nên sử dụng phân bón chậm tan, phân urê hạt đục và to, phân có vỏ bọc, sử dụng phân bón qua lá… Cùng với các biện pháp cải tiến kỹ thuật canh tác trong sản xuất, nhất là cây lúa như 3 giảm 3 tăng, canh tác theo cánh đồng mẫu lớn hướng đến sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP và sử dụng phân bón chuyên dùng có hoạt chất chống thất thoát đạm như Agrotain, NEB 26 cần được nhân rộng, góp phần vào việc giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận cho bà con nông dân.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục