Nông sản thắng lợi kép

Mặc dù gặp hàng loạt khó khăn, nhưng năm nay nông sản Việt Nam vẫn đạt thắng lợi vượt bậc, với bốn mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nhờ xuất siêu 9,2 tỷ USD, sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Đó là thông tin được nêu ra tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 do Bộ NN-PTNT tổ chức, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Nông sản thắng lợi kép

Mặc dù gặp hàng loạt khó khăn, nhưng năm nay nông sản Việt Nam vẫn đạt thắng lợi vượt bậc, với bốn mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nhờ xuất siêu 9,2 tỷ USD, sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Đó là thông tin được nêu ra tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 do Bộ NN-PTNT tổ chức, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

  • Nhóm nông sản 3 tỷ USD

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, sản xuất nông nghiệp cả nước năm 2011 trải qua rất nhiều khó khăn, từ lo chống rét tới lo chống nóng, đầu năm xảy ra hạn hán ở miền Bắc, cuối năm lại dồn dập lũ ở ĐBSCL, vậy nhưng sản lượng lúa sản xuất trong cả nước vẫn đạt tới 42,3 triệu tấn, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và góp phần đưa sản lượng gạo xuất khẩu lên gần 7,2 triệu tấn. Như vậy, so với năm 2010, sản lượng lúa năm 2011 đã tăng thêm 2,3 triệu tấn. Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá, đây là mức tăng kỷ lục và đáng khích lệ, góp phần đáng kể vào mục tiêu bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi đầu năm về việc đẩy mạnh sản xuất lúa gạo.

Nuôi cá tra xuất khẩu, thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long.

Nuôi cá tra xuất khẩu, thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, năm 2011 giá cả hàng nông lâm thủy sản trên thị trường thế giới tăng mạnh, cùng với sản xuất trong nước được mùa đã tạo nên thắng lợi kép “được mùa, được giá”. Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm nay đạt 25 tỷ USD, tăng thêm hơn 5 tỷ USD so với năm 2010. Nông sản trở thành ngành tiên phong đạt giá trị xuất siêu với 9,2 tỷ USD. Đặc biệt, có bốn mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD là thủy sản (6,1 tỷ USD), đồ gỗ (4,1 tỷ USD), gạo (3,7 tỷ USD) và cao su (3,3 tỷ USD). Nhờ xuất khẩu tăng mạnh nên các loại nguyên liệu nông lâm thủy sản trong nước được tiêu thụ khá thuận lợi với giá cao, kích thích sản xuất phát triển, nông dân tăng thu nhập.

  • Tập trung sản phẩm chủ lực

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng bày tỏ lo ngại về tính ổn định của sản xuất nông nghiệp cũng như xuất khẩu nông sản khi tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản năm 2011 tăng 5,2% so với năm trước nhưng thực tế giá trị gia tăng chỉ đạt 2,3% chứ không phải 3% theo như cách tính của Tổng cục Thống kê. “Trong khi đó những năm trước, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp luôn đạt tới 3,5-4%” - ông Phát nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong năm 2012 sản xuất nông nghiệp cũng như thị trường tiêu thụ nông sản có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với hiện nay. Mục tiêu đặt ra trong năm tới, vẫn giữ khoảng 7,58 triệu ha lúa để đạt 41,5 triệu tấn thóc và giữ mức gạo xuất khẩu khoảng 6,5 - 7 triệu tấn. Đảm bảo giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng từ 4-4,5% với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 25,5 - 26 tỷ USD. Song để đạt các chỉ tiêu trên, cần phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản. Lựa chọn và tập trung đầu tư các loại cây trồng, vật nuôi là lợi thế của vùng miền, chú trọng phát triển thủy sản, chăn nuôi gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thắng lợi mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2011. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2012, cần tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu, dự báo giá cả thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, để khai thác các lợi thế, cần phải thực hiện quy hoạch sản xuất theo vùng để xác định các sản phẩm chủ lực, xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa, như vậy mới đảm bảo việc đầu tư vốn và khoa học công nghệ đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và thu hút đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp, phát triển nông thôn. 

V.PHÚC

Tin cùng chuyên mục