Nghịch lý thị trường phân bón - Nhà máy bán rẻ, nông dân mua đắt

Nghịch lý thị trường phân bón - Nhà máy bán rẻ, nông dân mua đắt

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nhận định, trong các biện pháp góp phần tăng năng suất cây trồng, nhất là lúa thì phân bón góp 30% hiệu quả sản xuất. Phân bón là mặt hàng chiến lược phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực. Nhiều quốc gia còn xem việc cung cấp phân bón quan trọng như cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, thị trường phân bón trong nước thời gian qua tồn tại một số bất cập.

Sản xuất phân bón bình ổn giá thị trường tại Công ty Phú Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất phân bón bình ổn giá thị trường tại Công ty Phú Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp “cá lòng tong”

Theo ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), trong nước hiện có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón nhưng trình độ, công nghệ quá chênh lệch. Từ công nghệ tiên tiến như Đạm Phú Mỹ, JVF… đến cơ sở sản xuất thủ công theo kiểu trộn cơ học. Vì vậy, dù tốc độ sản xuất phân bón tăng 42% - 50% từ năm 2000 đến nay, nhưng về chất lượng vẫn không đồng đều.

Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), cho biết hiện có nhiều DN sản xuất phân bón nhỏ, làm ăn chụp giựt, thay tên đổi họ liên tục, sản xuất, kinh doanh hàng giá rẻ, chất lượng thấp nên rất khó kiểm soát, nhất là mặt hàng NPK, nguồn hàng này thường đưa vào vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ. Không chỉ phân NPK mà cả phân kali cũng bị làm giả. Người bán chỉ cần mua gạch non về nghiền nhỏ, trộn với muối và màu là thành sản phẩm để bán ra thị trường.

Theo Cục Quản lý thị trường, mỗi năm đơn vị xử lý trên 300 vụ liên quan đến chất lượng dỏm, giả nhãn hiệu. Các cơ quan chức năng cần phải siết chặt kiểm tra, giám sát cũng như có quy định mới về điều kiện, đầu tư, quy mô sản xuất cỡ nào mới được sản xuất. Với mức xử phạt quá thấp, chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/vụ vẫn chưa đủ mạnh để dẹp, hạn chế hoạt động kinh doanh bất hợp pháp này. Trong khi đó, nhiều cơ sở làm hàng giả, dỏm bán ra thị trường có lợi nhuận hàng tỷ đồng, số tiền phạt trên vẫn không đủ sức răn đe. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa việc sản xuất kinh doanh phân bón vào loại có điều kiện.

Theo ông Lê Quốc Phong, hiện nay còn xuất hiện nhiều DN “cá lòng tong” đang “rỉa” hết phần lợi nhuận của các DN lớn và vừa. Ngoài vấn nạn hàng giả, dỏm sản xuất trong nước còn một lượng hàng không nhỏ từ nhập lậu. Hàng lậu được đưa từ Bắc vào Nam, chất lượng không đảm bảo nên bán rất rẻ, lúc cao điểm khoảng 1.000 - 3.000 tấn phân bón các loại được tiêu thụ mỗi ngày.

Loại hàng này được vận chuyển trên các ghe nhỏ, đưa vào tận vùng sông nước các tỉnh ĐBSCL, bán gấp và lấy tiền ngay, không hóa đơn chứng từ nên không thể truy nguồn gốc. Chất lượng không ổn định bán với giá thấp hơn giá nhập chính ngạch từ 1 - 2 triệu đồng/tấn, khi đến tay người dân thấp hơn thị trường khoảng 300 đồng/kg nên dễ tiêu thụ. Urê còn 9.000 đồng/kg, DAP 13.000 đồng/kg...

Phân bón nhập lậu giá rẻ đẩy giá phân bón trong nước giảm xuống khoảng 20% so với giá tháng 9-2011. Điều này làm các DN bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, nhà nước bị thất thu thuế, nông dân mua giá thấp nhưng không hiệu quả trong sản xuất. Hiện đang vào vụ, có DN nhập 27.000 tấn phân kali từ tháng 9-2011 nhưng không bán được vì đại lý không chịu nhận hàng.

Thị trường chưa minh bạch

Điều mà nhiều DN sản xuất và kinh doanh phân bón xì xào là việc thị trường kinh doanh chưa được minh bạch. Sản xuất nông nghiệp trong nước vẫn còn phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Để cạnh tranh, DN sản xuất trong nước (urê, mặt hàng phân bón tiêu thụ lớn nhất) bán thấp hơn phân bón nhập khẩu nhờ hưởng một số chính sách về nguyên liệu và nhiên liệu đầu vào cũng như một số mức thuế suất ưu đãi.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, điều nghịch lý là giá bán thấp của DN sản xuất trong nước không đến được với bà con nông dân, bởi giá thấp này tăng dần qua các tầng nấc trung gian. Hệ quả, DN nhập khẩu gặp khó khi thực hiện các thương vụ, luôn tiềm ẩn rủi ro. Phân bón sản xuất trong nước chưa tính đúng tính đủ theo nguyên tắc thị trường, như giá than bán cho DN sản xuất phân bón rẻ hơn từ 55% - 82% tùy loại; giá bán khí cũng vậy, chỉ khoảng 4,59 USD/triệu BTU thay vì 7,5 USD/triệu BTU… Giá urê nhập khẩu hiện nay là 10.277 đồng/kg nhưng giá vốn urê trong nước sản xuất bằng khí là 4.348 đồng/kg và bằng than đá là 7.860 đồng/kg.

Theo Cục Quản lý giá, điều này làm méo mó hệ thống giá cả, giá đầu vào và đầu ra của sản xuất phân bón. Và nghịch lý, giá phân bón bán từ nhà máy thấp nhưng đến tay nông dân vẫn ở mức cao. Phân urê - mặt hàng sử dụng nhiều nhất cho vụ đông xuân, vụ lúa quan trọng nhất trong năm của ngành nông nghiệp nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 60%.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục