Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước thành viên là thị trường lớn với tổng dân số khoảng 500 triệu người; tổng giá trị GDP năm 2018 là 11.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP và 14% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu đang là cơ hội màu mỡ cho nông sản Việt Nam xuất khẩu nhưng cũng lại có rất nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, hội nhập không phải là màu hồng do những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong đó, nông sản là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, tranh chấp thương mại trên thế giới. Để tận dụng tốt các cơ hội và đối phó hiệu quả với các thách thức mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng chú trọng khâu quy hoạch, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin, đào tạo nghề.
Về phía doanh nghiệp, tập trung phát triển hệ thống thông tin thị trường xuất khẩu; tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý thông tin và xúc tiến thương mại thực chất, hiệu quả. Nông dân và các thành phần kinh tế tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu cần chủ động nâng cao năng lực thông qua việc gia tăng mối liên kết, phát triển các hình thức hợp tác để tăng năng lực cạnh tranh, khả năng sản xuất quy mô lớn và bền vững.
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, khẳng định, tham gia các FTA, hội nông dân các cấp nói riêng và nông dân nói chung được nâng cao trình độ canh tác nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Vì vậy, phải nhận diện rõ thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức để vượt qua, đảm bảo lợi ích cho nông dân theo quan điểm vì nông dân và nông dân làm chủ.
Ông Thào Xuân Sùng cho biết, sắp tới Trung ương Hội Nông dân sẽ tập trung triển khai tổ chức tập huấn lại cho toàn bộ cán bộ hội nông dân các cấp, nhất là giám đốc các hợp tác xã và các chủ hộ nông dân với nhiều phương thức khác nhau.