Khách quốc tế du lịch đến miền Trung có dấu hiệu chững lại và sụt giảm đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch các địa phương trong vùng. Câu chuyện phụ thuộc vào một thị trường khách dù đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng việc đa dạng dòng khách vẫn cứ loay hoay.
Khách quốc tế sụt giảm
Theo báo cáo từ Sở Du lịch TP Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2019, Đà Nẵng đón hơn 4,3 triệu lượt khách tham quan, lưu trú, đạt 53,8% kế hoạch năm (8,1 triệu khách), tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1,8 triệu lượt, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2018 (hơn 1,7 triệu lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 29%).
Tương tự, hơn 4 triệu lượt khách du lịch cũng đã đến Quảng Nam trong 6 tháng đầu năm (khách quốc tế đạt 2,5 triệu lượt), tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 55% so với kế hoạch năm (7,5 triệu khách).
Khách quốc tế đang có xu hướng sụt giảm tại TP Đà Nẵng
Dù báo cáo của 2 địa phương đều nêu những con số lạc quan, nhưng qua khảo sát một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng cho thấy bức tranh du lịch thực tế không như vậy.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho biết, khách Trung Quốc giảm khá mạnh thời gian gần đây, nhất là các tour giá rẻ. Còn theo đại diện Khách sạn Luxury Đà Nẵng, khách đăng ký lưu trú tại đơn vị sụt giảm khoảng 14% (từ 94% xuồng 80% so với cùng kỳ).
Cùng tình cảnh trên, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Omega (Đà Nẵng) thừa nhận, so với cùng kỳ, lượng khách công ty sụt giảm khoảng 30%. Cả hai doanh nghiệp trên đều chuyên đón khách Hàn Quốc.
Du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam trong vài năm trở lại đây phụ thuộc khá lớn vào hai thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc (chiếm tỷ lệ trên 50% tổng cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng).
Năm 2018, hơn 763 ngàn lượt khách Trung Quốc đã du lịch đến Đà Nẵng; tương tự, gần 1,7 triệu lượt khách Hàn Quốc cũng đã đến tham quan Đà Nẵng, chiếm 30% trong tổng cơ cấu khách quốc tế (đứng vị trí thứ nhất), riêng 6 tháng đầu năm 2019 khoảng 878 ngàn lượt khách Hàn Quốc đã đến Đà Nẵng.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần một trong hai thị trường khách trên sụt giảm, du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ lao đao. Và thực tế, những dấu hiệu về dòng khách này đang có sự biến động.
Du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam trong vài năm trở lại đây phụ thuộc khá lớn vào hai thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc
Báo cáo tại Hội nghị Tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vừa diễn ra mới đây tại TP Đà Nẵng, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thừa nhận, qua 7 tháng đầu năm dù đón 9,8 triệu lượt khách quốc tế (khách Trung Quốc khoảng 2,9 triệu lượt), tăng 7,9% so với cùng kỳ, nhưng du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại (cùng kỳ năm 2018 tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt 25,4% so với cùng kỳ 2017). Nguyên nhân do thị trường khách Trung Quốc giảm 2,8%, thị trường Úc giảm 1,2%.
“Chỉ cần thị trường khách Trung Quốc sụt giảm thì khó có thị trường khách nào thay thế được, nhất là trong thời gian ngắn hạn”, ông Siêu nói.
Đa dạng thị trường khách
Năm 2019, Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 17,5 – 18 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhỏ bé so với các nước trong khu vực như Thái Lan (khoảng 40 triệu) hay Malaysia (30 triệu), nhưng theo Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, con số trên vẫn khá áp lực.
Phát biểu tại Hội nghị Tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và miền Trung thời gian tới vẫn là dòng khách châu Á, cụ thể là Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan), tiếp đến là thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Philipin, Indonesia…) và Ấn Độ. Bởi thực tế, thị trường khách châu Âu, Bắc Mỹ tăng khá chậm, quy mô cũng khiêm tốn, việc quảng bá, thu hút khách phải cần thời gian lâu dài.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, phát triển du lịch Đà Nẵng hiện nay chủ yếu dựa trên nền tảng các thị trường truyền thống là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Do đó, việc thúc đẩy thị trường nguồn khách rất quan trọng nhằm đảm bảo tốc độ và số lượng tăng trưởng của khách ngay trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để tránh phụ thuộc vào một thị trường khách, thành phố Đà Nẵng cũng đã có những bước triển khai quảng bá xúc tiến các thị trường mới như Ấn Độ, Úc, Tây Âu thông qua đường bay Doha (Quatar) nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.
Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng tập trung mạnh các sản phẩm du lịch mới như sản phẩm dịch vụ về đêm, xây dựng các gói sản phẩm đặc sắc nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách…
Quảng Nam cũng đã xây dựng các sản phẩm đặc trưng dựa trên những lợi thế về di sản văn hóa nhằm thúc đẩy các thị trường khách truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ
Là địa phương hưởng lợi nhờ sự lan tỏa từ Đà Nẵng, Quảng Nam cũng đã xây dựng các sản phẩm đặc trưng dựa trên những lợi thế về di sản văn hóa, nhằm vừa phục vụ dòng khách mới nổi Hàn Quốc, Trung Quốc, vừa không ngừng thúc đẩy thu hút các thị trường khách truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ…
Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam chia sẻ, tuy một số thị trường khách có chững lại và sụt giảm, nhưng chỉ tiêu đón khách năm 2019 của Quảng Nam chắc chắn sẽ đạt kế hoạch.
“Quan điểm của Quảng Nam vẫn là tăng chi tiêu của khách từ các thị trường khách truyền thống, việc mở rộng một số thị trường mới như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng chỉ mang tính tăng thêm số lượng, khai thác thêm nguồn thu; còn thị trường khách truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ sẽ vẫn cố gắng giữ, dù việc thu hút dòng khách này khó và cần chiến lược dài hơi. Do đó, trước mắt vẫn thu hút các dòng khách gần vì dễ hơn, còn về lâu dài thị trường khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nhật vẫn là dòng khách chủ đạo xuyên suốt”, ông Tường phân tích.