Trong các ngày 26, 27 và 29-10, các đại biểu (ĐB) Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách. Đây vốn là những vấn đề nóng tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Trước đó, tại các buổi thảo luận tổ về nội dung này, nội dung được nhiều ĐB Quốc hội quan tâm là nợ công, trong đó có việc nợ nước ngoài đang tăng nhanh.
Hiện, tỷ lệ nợ công/GDP những năm gần đây có xu hướng giảm dần và hướng tới mục tiêu của kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, nợ công năm 2016 là 63,7% GDP, năm 2017 là 62,6% GDP, năm 2018 là 61,4% GDP và năm 2019 dự kiến 61,3% GDP, đến năm 2020 còn 60,6% - 60,8% GDP. Trong khi đó, theo Nghị quyết 25/2016/QH14 (về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2016 - 2020), nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là những năm gần đây nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại có xu hướng tăng lên, đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép.
Cụ thể, nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 là 45,2% GDP, năm 2018 là 49,7% GDP và năm 2019 dự kiến là 49,9% GDP. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, con số trên cho thấy, mặc dù các chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn cho phép, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro. “Vì vậy, đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia”, báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý.
Theo Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ của doanh nghiệp, tổ chức khác vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả. Những năm gần đây, Chính phủ đã gần như không bảo lãnh các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp mà để tự doanh nghiệp vay theo nguyên tắc tự vay, tự trả. Tuy nhiên, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn tăng nhanh dù nợ nước ngoài của Chính phủ giảm.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nguyên nhân là do một số khoản vay của thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Ví dụ như Công ty Vietnam Beverage mua lại cổ phần nhà nước ở Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có giá trị khoảng 5 tỷ USD nhưng pháp nhân là doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nên ngoài vốn chủ sở hữu, họ phải đi vay để huy động số tiền lớn để được chi phối ở Sabeco.
Hay như trường hợp Vingroup vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế để xây dựng hãng ôtô Vinfast. Nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả. Như với Vingroup, khi bán được ô tô, họ sẽ có dòng tiền để trả và nợ này sẽ giảm. Việc vay đó có rủi ro là tỷ giá và lãi suất USD có tăng lên nhưng Chính phủ đã lường trước để kiểm soát. Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, năm 2017 Chính phủ không bảo lãnh vay cho doanh nghiệp nào, năm 2018 bảo lãnh vay cho 2 dự án quan trọng của ngành điện, và năm 2019 hạn mức bảo lãnh cũng rất thấp nhằm đảm bảo an toàn nợ công.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhận xét, việc tăng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài của doanh nghiệp khiến dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP năm 2018 tăng, tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia (50% GDP) ảnh hưởng đến chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia và làm giảm dư địa vay nước ngoài quốc gia trong đó có phần đi vay của các doanh nghiệp Việt Nam trong các năm tiếp theo. Doanh nghiệp phần nào sẽ gặp khó trong tiếp cận tài chính để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã được siết lại rất chặt để đảm bảo an toàn nợ công. Song nợ của doanh nghiệp tự vay, tự trả, nhất là của doanh nghiệp ngoài Nhà nước lại khó kiểm soát hơn. Với những khoản vay này, các doanh nghiệp sẽ phải tự trả nhưng nếu vượt trần hay doanh nghiệp không trả được nợ cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hệ số tín nhiệm quốc gia.
Chính vì vậy, một chuyên gia kinh tế cho rằng, để kiểm soát nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép thì bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp, cần phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp hoạt động. Bởi chỉ khi doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, hoàn thành nghĩa vụ tự vay, tự trả thì áp lực, sức ép về vượt trần tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia mới giảm bớt.
Còn theo ĐB Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, để tránh các khoản nợ vượt trần, ngoài việc siết chặt quản lý nợ thì đầu tư từ các nguồn vay phải làm sao tạo được sự tăng trưởng, có tính liên kết vùng, tốt nhất là công trình có khả năng thu hồi vốn. Chính phủ cũng cần nhìn lại việc cho vay lại và bảo lãnh vì hiện nay nợ quốc gia sắp chạm trần. Nếu vượt trần này, mức tín nhiệm của Việt Nam sẽ khác. Các doanh nghiệp không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.