Để đảm bảo nước tưới vụ hè thu, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành đang nỗ lực triển khai hàng loạt biện pháp chống hạn cho cây trồng, gia súc.
Quay quắt vì nắng hạn
Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam và chính quyền huyện Duy Xuyên vừa đắp xong đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Thu Bồn tại khu vực cầu Gò Nổi. Đập dài 200m, khối lượng khoảng 3.000m³ đất cát, kinh phí đầu tư hơn 300 triệu đồng, nhằm tích nước cho trạm bơm Xuyên Đông, cung ứng nước cho 600ha lúa vụ hè thu thuộc các xã, thị trấn là Nam Phước, Duy Phước, Duy Vinh của huyện Duy Xuyên.
Trước đó, UBND thị xã Điện Bàn đã gia cố tuyến đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt sông Vĩnh Điện để các trạm bơm hạ lưu sông Thu Bồn, nhất là 2 trạm bơm trọng yếu Tứ Câu và Cẩm Sa hoạt động, đảm bảo phục vụ nước tưới và chống hạn cho hơn 1.885ha lúa của thị xã Điện Bàn cùng các vùng lân cận.
Ông Nguyễn Đức Chơ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cho biết, vụ hè thu năm nay, toàn thị xã xuống giống 5.400ha lúa các loại nên công tác chống hạn, mặn đang thực hiện đồng bộ. Trong đó, việc chống nhiễm mặn được chú trọng hơn cả. “Chống mặn vụ hè thu, chủ yếu tập trung nạo vét các bể hút, kênh dẫn dòng tại các trạm bơm Điện Trung; Điện Dương; Bến Hục, Điện Thọ…”, ông Chơ nói.
Tại Thanh Hóa, thời gian gần đây có một số ngày dịu mát, nhưng không thể giải quyết được tình hình hạn hán trên diện rộng. Cánh đồng các xã Đông Quang, Đông Văn, Đông Nam… (huyện Đông Sơn), người dân cơ bản cấy xong, nhưng tình trạng thiếu nước đang đe dọa lúa non. Các xã Quảng Đức, Quảng Giao, Quảng Hải… (huyện Quảng Xương), người dân vừa cấy vừa dùng máy bơm dã chiến bơm nước lên đồng. Nhiều diện tích còn lại không có nước buộc phải bỏ hoang.
Tương tự, tại Nghệ An, nắng nóng kết hợp gió Tây Nam khiến việc thiếu nước diễn ra nặng hơn. Ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc, cho biết vụ hè thu năm nay, theo kế hoạch huyện gieo cấy hơn 4.500ha, nhưng thiếu nước nên không thể đạt được diện tích đề ra. Huyện chỉ đạo dừng sản xuất trên 2.500ha tại các xã thiếu nước, chuyển dần sang trồng ngô, đậu... Đồng thời, đề xuất Sở NN-PTNT điều tiết nguồn nước từ cống bara Nam Đàn về để hỗ trợ tưới cho vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc.
Ông Nguyễn Văn Hoa, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Nghệ An, nhận định không có lượng mưa bổ sung, đồng thời kết hợp nắng nóng với nền nhiệt độ cao và gió Tây Nam thổi mạnh nên thiếu nước sẽ xảy ra với diện tích hơn 22.542ha lúa tại địa phương này.
Tại Quảng Trị, nhiều giải pháp đối phó với hạn hán như tưới tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng, chuẩn bị thức ăn khô cho gia súc, thường xuyên nạo vét kênh mương… đã được triển khai từ vụ đông xuân. Song nắng gay gắt, trời không mưa dự báo kéo dài đến tháng 8-2018 khiến vụ hè thu của địa phương sẽ chỉ còn 50% lượng nước ở các hồ thủy lợi, gây hạn nặng, thiếu nước sinh hoạt cho người dân và gia súc.
Ngược vào Nam Trung bộ, những cánh đồng lúa ở 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên đang thoi thóp chờ chết giữa nắng hạn. Tại những vùng lúa chết “khát” ở thị xã An Nhơn (Bình Định), nhiều cánh đồng đang bắt đầu nứt nẻ vì thiếu nước. Nông dân tát từng gàu nước ít ỏi dưới mương lên đám ruộng khô cháy với hy vọng cứu lúa. Ông Nguyễn Văn Bắc (60 tuổi), xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, thở dài: “Công sức, tiền của bỏ ra để cày bừa, cấy sạ, bón phân coi như cạn sạch, không biết bao giờ trời mới mưa để nông dân bớt khổ…”.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc Võ Minh Hoàng: “Vừa rồi chúng tôi vừa họp và làm việc với Công ty Thủy lợi Bình Định và Xí nghiệp Thủy lợi 4, các bên thống nhất phương án tưới luân phiên. Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo tuần canh quyết liệt 24/24 giờ tại các kênh mương dẫn nước chia đều cho các vùng ruộng. Người dân các xã cũng đã ký cam kết không chặn dòng, tranh giành nước tưới”.
Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, khô hạn diễn biến phức tạp, toàn tỉnh có gần 500ha lúa hạn nặng. Trong khi sông Ba cạn do cát bồi lấp dòng chảy khiến việc tưới tiêu cho ruộng lúa thuộc các huyện Phú Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa càng khó khăn.
Cái khó ló cái khôn
Hạn chế thiệt hại do hạn gây ra trên diện rộng, nhiều địa phương tại Bình Định vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích lúa thiếu nước sang canh tác các loại cây trồng cạn như lạc (đậu phộng), ngô (bắp) lai, vừng, hành, rau màu các loại… Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã chọn được giống lạc chịu hạn, chịu mặn LDH.09 đưa vào gieo trồng trên những dải cát khô cằn 2 xã Cát Hiệp, Cát Hải, Cát Trinh (Phù Cát) với năng suất cao nhất cả nước lên trên 40 tạ/ha.
Ông Nguyễn Văn Cho, Chủ tịch xã Cát Hiệp, phấn khởi: “Việc đưa giống cây lạc LDH.09 về vùng cát của địa phương là một kỳ tích trong ngành nông nghiệp địa phương. Qua đó, giải quyết các vấn đề về sinh kế, điều kiện thiên tai nên bà con rất phấn khởi. Viện còn tiếp tục hướng dẫn bà con trồng xen canh giống lạc và mì, vừa đem lại hiệu quả gấp đôi, vừa cải tạo đất. Hiện năng suất lạc của xã Cát Hiệp đã đạt kỷ lục 40 tạ/ha, vươn lên đứng đầu cả nước…”.
Màu xanh mướt của rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày thời kỳ chuẩn bị thu hoạch trải dài các cánh đồng từ huyện Phong Điền đến các huyện Quảng Điền, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế xoa dịu nắng gắt. Để khắc phục tình trạng khô hạn và mở rộng diện tích sản xuất, nhiều hộ nông dân tại đây đã khai thác cây rong trên phá Tam Giang làm phân bón, biến vùng đất khô cằn này trở thành vùng trồng cây thuốc lá và các loại rau màu, đem lại thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.
Anh Văn Đức Thắng, thôn Nam Giảng, xã Quảng Thái cho biết, khô hạn dần được chế ngự, bà con lại tìm tòi kỹ thuật trồng cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện trên địa bàn xã đã có đến 30ha đất được bà con sử dụng rong làm phân bón. “Ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cho đất, cây rong còn có tác dụng giữ ẩm, giữ nước rất tốt, giúp cải thiện đất đai bạc màu, làm đất tơi xốp. Nhưng để phân rong phát huy hiệu quả, trong quá trình làm đất nên rải đều một lớp rong trên đất trước khi cày ải. Khi cây trưởng thành phải bón trực tiếp cách gốc cây khoảng 20-30cm, khoảng 1 tháng bón 1 lần”, anh Thắng nói.
Trong khi tại thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và xã Bình Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bà con nông dân có sáng kiến khoan giếng tại ruộng, rồi dùng máy bơm nước chạy bằng điện công suất nhỏ để lấy nguồn nước phục vụ sản xuất.
Ông Phan Văn Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú, cho biết, hội đã phối hợp, hỗ trợ khoan 50 cái giếng và hiện vẫn đang khoan tiếp, vét 4 ao để chủ động nước tạm thời cho các hộ sản xuất với gần 20ha lúa. 8ha đất trồng lúa không đủ nước, hội khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng đậu phộng và các cây rau màu khác, năng suất ước đạt 4-5 tạ/sào.
“Đậu phộng là cây có sức chịu nắng tốt nhất và dễ phát triển trên đất cằn, thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn, mang lại hiệu quả cao hơn so với nhiều cây trồng khác. Riêng 2ha đất chuyển sang trồng dưa lưới cho thu nhập 20-30 triệu đồng/sào”, ông Trịnh nói.
Lúng túng trong việc xử lý cháy rừng
Hơn 10 vụ cháy rừng, chủ yếu là rừng thông xảy ra liên tiếp những ngày qua tại Hà Tĩnh, Nghệ An Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế... Song phần lớn các địa phương tại miền Trung vẫn lúng túng, chưa có giải pháp hữu hiệu trong việc phòng cháy chữa cháy rừng tại những vùng rừng núi địa hình đồi dốc, hiểm trở. Trong khi lực lượng chức năng chủ yếu sử dụng biện pháp thủ công như: dùng can nước nhỏ, xử lý cục bộ những đám cháy nên việc phát huy “bốn tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, hậu cần, phương tiện) bị hạn chế.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, ngoài lực lượng kiểm lâm, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cán bộ kiểm lâm cơ sở ngoài tuần tra, canh gác còn có nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và huy động nhân lực, thiết bị trong dân để ứng phó khi xảy ra cháy rừng.