Khi ấy, không chỉ có hệ thống chính trị, mà các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đều phải tham gia quá trình này, nhằm mục tiêu mang lại hiệu quả cao nhất.
TPHCM là đô thị đặc biệt, diện tích chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm hơn 9% dân số cả nước, song đóng góp gần 22% kinh tế (GDP) và khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước. Tăng trưởng kinh tế TP trong 30 năm đổi mới bình quân 10,7%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của TP gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước.
Đồng thời, TPHCM là địa phương khởi nguồn của những đổi mới, sáng tạo về cơ chế chính sách; là nơi thu hút đông đảo nguồn nhân lực chất lượng cao trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, TPHCM luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ và chia sẻ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, TP trong cả nước với mục tiêu tạo điều kiện để TPHCM phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Vì đây là lần đầu tiên, địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện một Nghị quyết mang tính đặc thù, với 5 lĩnh vực được điều chỉnh so với các cơ chế, chính sách chung đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM.
Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TPHCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trên 5 lĩnh vực: đất đai, đầu tư công, tài chính - ngân sách, bộ máy hành chính và thu nhập cán bộ - công chức; với 8 đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đây được xem là Nghị quyết quốc gia đột phá, tạo điều kiện để TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn; thực sự là đầu tàu, là động lực phát triển của cả nước, nhất là về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, vấn đề phát triển hạ tầng kỹ thuật, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao đang là những yêu cầu bức thiết cần phải tập trung thực hiện đầu tiên.
Thời gian qua, những vấn đề nổi lên đòi hỏi phải có giải pháp là tình trạng ngập nước; trật tự, an toàn giao thông; tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải… Nếu không xử lý tốt, điều này sẽ cản trở đối với sự phát triển của TPHCM. Cơ sở hạ tầng tốt giúp bộ mặt của TP trở nên khang trang, hiện đại, giao thông thuận tiện, thông suốt, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống của nhân dân.
Là một trong những trung tâm khoa học, công nghệ của cả nước, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào giải quyết tình trạng ngập nước, xử lý nước thải, bùn thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tiết giao thông, hạn chế tình trạng ùn xe, tắc đường trong giờ cao điểm… đã được các chuyên gia, nhà khoa học các ngành, đơn vị của TPHCM nghiên cứu, triển khai thực hiện đem lại một số kết quả khả quan.
Tuy nhiên, so với yêu cầu và mong muốn của nhân dân, những kết quả này vẫn chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Trách nhiệm này trước hết thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo TP nhưng cũng là trách nhiệm của các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân.