“Sản phẩm” bị lỗi
Vì coi chồng là người có quyền quyết định mọi việc, cả nhà đều phải tuân theo, nên những người phụ nữ lệ thuộc chồng cũng hướng con cái sống theo ý cha. Họ có xu hướng bảo bọc con cái ngay cả khi con đã trưởng thành. Những người mẹ tối ngày lo chu toàn việc gia đình, đón ý chồng con, nên có cách thương và chiều con khá một chiều.
Với họ, chồng, con là nhất. Con cái gần như không phải làm bất cứ việc gì, ngay cả việc đơn giản như soạn sách vở, gấp quần áo. Những đứa trẻ sống trong gia đình kiểu này lớn lên khá ích kỷ, chúng chỉ biết đòi hỏi hơn là quan tâm đến người khác.
Gia đình sống theo nếp gia trưởng, cha mẹ thích áp đặt con phải theo cách cha mẹ chọn sẵn vì họ nghĩ đó là cách tốt nhất. Con cái không tuân thủ, xung đột trong gia đình xảy ra. Họ thường đặt con vào sự buộc phải lựa chọn: một là theo cha mẹ, con sẽ có tất cả còn không theo thì con không được gì, cha mẹ sẽ tước hết quyền lợi. Hậu quả tất yếu sẽ dẫn đến những bi kịch gia đình như kiểu con tự tử hay bỏ nhà đi vì quá bế tắc. Còn nếu con nghe, làm theo ý cha mẹ, để cha mẹ vừa lòng thì phải từ bỏ hạnh phúc, mơ ước của mình.
Con gái trong những gia đình quen được nuông chiều ra đời cũng khó thành công với tính “tiểu thư” kiêu kỳ quen được ngươi khác đáp ứng. Có tìm bạn, tìm việc cũng thích tìm sự dựa dẫm, ít kiên nhẫn, hơi cực khổ là nản. Con trai bị ảnh hưởng tính độc đoán của cha, ít bộc lộ tình cảm, khô khan không dễ thừa nhận người khác, nhất là bạn gái giỏi hơn mình, khá cố chấp, bảo thủ, ra đời gặp khó khăn, dễ nản lòng khi không ý .Vô tình cha mẹ đã đẩy con trở thành một người kém ý chí và thậm chí còn rất hèn, không dám chịu trách nhiệm khi rơi vào tình huống phải đứng mũi chịu sào.
Các hoạt động dã ngoại góp phần tăng sự đầm ấm, gắn kết gia đình
Liệu có hy sinh, cam chịu đuợc mãi?
Được chồng bảo bọc ai mà chẳng thích, nhưng làm thân tầm gửi mãi, tránh sao có lúc thấy nhạt khi nhìn sang hàng xóm hay gặp bạn cũ. Cứ chăm chút mãi cho người khác như một niềm vui, bỗng lúc nào đó nhận ra rằng: “Sao đời mình chỉ làm oshin của cha con họ, chẳng ai trong nhà là người thấy mình lúc yếu lòng, trống vắng cũng cần được chăm sóc, nghỉ ngơi”.
Người mẹ nhẫn nại chăm chút quá mức có khi cha con chỉ nhìn thấy như một sự đương nhiên “làm vợ, làm mẹ phải thế” mà không nghĩ rằng thực ra đó là mẹ đang hy sinh, cam chịu. Gặp một ngươi chồng chung thủy đi suốt hết cuộc đời thì còn may mắn. Nhưng gặp phải người đàn ông phụ mình khi xuân sắc tàn phai, sức khỏe suy yếu, thì ai sẽ ở bên, giúp đỡ mình? Người đàn ông mải mê sự nghiệp, quá coi trọng việc giao tiếp ngoài xã hội, gia đình chỉ là sân sau thì liệu khi người đàn bà đơn độc như một cái bóng có thật sự được tồn tại theo đúng nghĩa một con người.
Thời bây giờ, khá nhiều cô gái chọn chồng giàu với kỳ vọng được nhàn thân nhưng khi vào cuộc mới thấy sự sung sướng họ kỳ vọng chỉ là ảo tưởng. Phía sau cả một cuộc đời dài sống phụ thuộc phải chịu đựng, chiều chuộng nhọc nhằn lắm. Con cái trưởng thành, chúng cũng có cuộc sống riêng. Lẽ nào người mẹ của cả nhà lúc này chỉ còn một niềm vui duy nhất là chờ cháu ra đời để “đỡ buồn”. Đợi đến khi chồng về hưu hay yếu sức, hai vợ chồng mới có dịp bên nhau. Lúc trẻ không sống gần, về già trái tính, trái nết khó chiều nhau lắm. Phía sau sự độc tôn của người đàn ông trong gia đình có rất nhiều nước mắt và sự buồn tủi.
Giải mã
Cuộc đời có thể do mình lựa chọn, nhưng cũng có khi sai lầm. Bước vào một gia đình gia trưởng hay lấy nhau về mới thấy chồng gia trưởng, bằng mọi cách người phũ nữ phải thoát khỏi cuộc sống bị lệ thuộc vào kinh tế. Khi mình làm chủ cuộc đời của mình, sự gia trưởng sẽ còn ít đất dụng võ.
Vợ cũng phải mở nút thắt bảo thủ này của chồng bằng sự dịu ngọt của mình, chí ít để cho chàng thấy: “Không phải lúc nào anh cũng đúng”. Đừng bao giờ tự biến mình thành người giúp việc của chồng. Một cái đầu thông minh không thể bằng hai cái đầu cùng suy nghĩ. Một người làm việc nhà không thể nhanh hơn hai người. Cùng làm, cùng hưởng, cùng vui. Cách điều hành mọi việc trong gia đình, phải để chồng thấy điều đó mà sửa đổi. Mưa lâu sẽ thấm đất.
Phụ nữ khổ vì thích vơ vào mình hay tự tôn theo kiểu: “Mình không nấu cơm thì cha con không có cơm ăn”, “Mình đi vắng thì gia đình không ai lo”, “Mình không dọn thì không ai dọn”. Trách nhiệm không chỉ dành cho riêng người mẹ trong nhà. Người phụ nữ mà sống quá phụ thuộc vào chồng con, tiếng nói riêng cũng chẳng được coi trọng.