Mới đó mà đã 45 năm rồi, tôi còn nhớ cái đêm 19-12 năm ấy. Tôi nhận ca trực bệnh viện từ 5 giờ chiều. Những ca trực như thế trong chiến tranh, chỉ cần vài chiếc xe cứu thương phủ đầy lá ngụy trang đưa thương bệnh binh (TBB) từ các binh trạm về là thức suốt đêm. Quân y viện của chúng tôi là một trong tuyến cuối cùng nên phần lớn là TBB nặng và rất nặng. Hà Nội những năm chiến tranh nhìn bề ngoài vẫn an bình, khi có báo động thì mọi người xuống các hầm trú ẩn dọc hai bên đường phố căn hộ, dân quân tự vệ và bộ đội thì vào trận địa sẵn sàng chiến đấu. Hết báo động, mọi sinh hoạt lại bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Cuộc sống cứ vậy quen rồi, nhưng không hiểu sao mấy hôm nay tôi có cảm giác hình như Hà Nội vắng hơn thì phải (?).
Tối 19-12, khoảng 19 giờ, bỗng nhiên có tiếng còi báo động liên hồi, rồi tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom nổ ùng oàng đâu đó. Một anh thương binh dày dạn chiến trường vừa nhập viện chiều nay đang nằm lưu tại phòng cấp cứu, “phán” ngay “có tiếng B52 và tiếng bom rải thảm kiểu B52”. Tôi cũng là người đã từng “nếm” bom B52 tại chiến trường B5, nhưng là ở rừng núi Trường Sơn, cũng không ngờ chúng nó dám liều làm điều đó ở thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên rồi hệ thống thông tin quân sự và đài báo động thành phố Hà Nội cũng thông báo rõ ràng: “Thưa đồng bào và chiến sĩ thủ đô, giặc Mỹ đã đưa B52 đánh bom vào Hà Nội, trái tim của cả nước…”. Lòng chúng tôi đau thắt lại. Tiếng loa phóng thanh, tiếng gầm rú của máy bay, tiếng pháo cao xạ, tiếng bom, ánh chớp lóe lên từ hỏa lực pháo phòng không, từ những quả tên lửa trúng mục tiêu, rồi máy bay cháy như những bó đuốc giữa bầu trời Hà Nội, cả tiếng reo hò của rất đông người dân gần đó: “Cháy rồi, B52 cháy rồi…”, làm náo loạn.
Minh họa: P.S
Chỉ khoảng 10 - 15 phút sau, những chiếc xe cấp cứu, có cả những chiếc xích lô bắt đầu vào cổng bệnh viện, mang theo những chiến sĩ và nhân dân bị thương. Lúc này không phân biệt gì ca trực nữa. Tôi thấy những người trong những “đội phẫu thuật dã chiến” của Quân y viện tôi được thành lập từ trước và có cả những người mang phù hiệu cấp cứu “lạ” từ các bệnh viện khác tới. Thế mới biết công tác chuẩn bị và sẵn sàng cho “trận đánh cuối cùng” này là thế nào. Cách đó gần một tháng, bệnh viện chúng tôi cũng đã được lệnh sơ tán lên Hòa Bình. Các “đội phẫu thuật dã chiến” được thành lập, nhân viên khỏe mạnh, các bác sĩ nào thuộc ngoại khoa, cầm dao mổ bất kỳ ở khoa nào đều được gọi ở lại “bám trụ”. Khoa Tai Mũi Họng (TMH) của tôi cũng vậy. Công việc như thế này đã được tập dượt nhiều lần. Đủ lực lượng, phương tiện nên công việc tiếp nhận, phân loại và xử lý chấn thương, vết thương các kiểu rất nhanh chóng và chính xác. Có một điều rất cảm động, khi cơ số máu cần là tức thì có người trong ngành giơ tay liền. Trong chiến tranh, một mất một còn, cái tình người đẹp hơn bao giờ hết.
Tôi làm ở khoa TMH, bệnh nhân thường hay phải đi lại nhiều lần, nên có nhiều thương binh trở nên thân quen. Đêm đó, chúng tôi thức trọn đêm và những đêm sau cũng vậy, mệt thì thay nhau chợp mắt chút lại dậy, không hiểu sao cứ băng băng. Có một chuyện cảm động làm tôi nhớ mãi. Chị là trưởng một đài của một đơn vị thông tin liên lạc tại ngoại ô. Loạt bom B52 đầu tiên căn hầm của chị đã trúng bom. Người y tá hộ tống bảo rằng, chị vừa chỉ huy đơn vị cấp cứu cho nhau, vừa triển khai “phương án hai” để bảo đảm thông tin liên lạc. Nhảy lên nóc hầm quan sát, chị thấy mấy chiếc F4 rà thấp, sẵn súng AK trên vai, chị đứng thẳng người giương súng bắn xối xả vào chiếc đang bổ nhào. Chị bị thương, ngã xuống, người ta đưa chị vào bệnh viện ngay sau đó. Trước mặt tôi là một nữ quân nhân, từ đơn vị thông tin nhưng lại mang quân hàm gắn phù hiệu quân y. Lau sạch những vết máu trên khuôn mặt xinh xắn, trắng bệch của chị, tôi phát hiện ra đó là bác sĩ Bằng Tâm học cùng lớp với tôi, người vẫn thỉnh thoảng đưa đồng đội đến khoa TMH của tôi và là bạn học của tôi. Chị bị gãy xương vai trái, vết thương khá nặng vùng má, sập thành trước xoang hàm phải. Bằng Tâm học rất giỏi, khi được phân công về Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, chị học luôn nghề thông tin nên chị vừa là sĩ quan quân y vừa là sĩ quan thông tin, phụ trách luôn hai công việc của đơn vị. Xử lý xong bước đầu, Bằng Tâm được đưa ngay lên bàn mổ. Rồi công việc dồn dập, hôm sau tôi tìm đến phòng hậu phẫu thăm chị thì chị được chuyển sang Quân y viện 108. Chúng tôi mất liên lạc từ đó.
Mãi đến một hôm, tôi đang chờ máy bay từ Berlin sang Amsterdam, tự nhiên có một người phụ nữ trung niên đi với một thanh niên đến trước mặt tôi, chị hỏi: “Xin lỗi, Hoàng, bác sĩ Hoàng phải không?”. Tôi giật mình, tháng chạp trời Tây lạnh như cắt, chị bỏ mũ ra, tôi kêu lên: Bằng Tâm! Tự nhiên mắt chị ứa lệ và 3 người chúng tôi ôm lấy nhau. Chị giới thiệu với tôi, người thanh niên là con trai của chị. Qua câu chuyện lúc chờ máy bay, chị cho biết sau khi ổn định vết thương, chị được chuyển sang Đức xử lý thẩm mỹ khuôn mặt. Tuy nhiên, những dấu vết của vết thương 12 ngày đêm ấy vẫn còn ít nhiều trên khuôn mặt xinh đẹp ngày nào. Rồi chị tiếp tục công việc vừa bác sĩ vừa là “sếp” của đơn vị thông tin quân đội, cho đến khi mang hàm đại tá mới nghỉ hưu. Chị và con trai sang Bỉ với gia đình con gái, nhưng ghé qua Đức thăm lại bệnh viện quốc tế Berlin - nơi chăm sóc và chữa trị vết thương cho chị năm nào. Cuộc gặp đặc biệt sau mấy chục năm tìm kiếm.
Cuộc chiến 12 ngày đêm rồi cũng kết thúc, vì nghe nói, nếu Mỹ tiếp tục nữa thì sẽ không còn máy bay B52 hù dọa người khác. Câu chuyện có vẻ hài hước nhưng có lý, số máy bay mấy ngày đó “rụng” nhiều quá mà, chắc phía Mỹ cũng sợ.
Trở lại Hà Nội, ngổn ngang chuyện cũ, nhưng âu đó cũng là những hoài niệm của chúng tôi - một thời “không thể nào quên”.