Ngày đêm cứu người
Đến đèo Lò Xo hỏi đường đến nhà ông Đinh Văn Hoàng (30 tuổi, xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum), một cặp vợ chồng đang làm rẫy, nói: “Hoàng hiệp sĩ đó. Ở đây người ta gọi vui thế. Anh ấy làm nghề sửa xe máy và rất nhiệt tình tham gia cứu hộ trên đèo. Dân ở đây đều có số điện thoại của Hoàng để có vụ tai nạn nào là gọi cho Hoàng đến cứu hộ”.
Gặp Hoàng khi anh đang hì hục sửa xe máy cho khách. Nhắc đến biệt danh “Hoàng hiệp sĩ”, anh cười xòa: “Người ta nói hơi quá. Mình không dám nhận đâu. Chỉ là thấy người ta bị nạn thì mình xông vào cứu. Ai gặp trường hợp như mình cũng làm thế cả”.
Anh Hoàng ...
Theo Hoàng, anh “bén duyên” cứu hộ trên đèo Lò Xo vào năm 2008, khi chuyển đến đèo sinh sống bằng nghề sửa xe. Vụ đầu tiên anh tham gia cứu là vào cuối tháng 11-2009. Lúc ấy, khoảng 23 giờ đêm, Hoàng nghe người chị bên Trạm y tế xã Đắk Man thông báo có vụ xe tải lật trên đèo và có thương vong.
“Nghĩ nếu không cứu kịp thời thì có thể sẽ có người tử nạn, nên dù thời điểm ấy tôi mới mổ dạ dày xong, sức khỏe chưa đảm bảo, nhưng tôi vẫn phóng xe xuống. Khi đến nơi thì 2 người trên xe đã chết. Tôi chui vào xe đưa nạn nhân ra ngoài. Lúc này cơ quan chức năng thuê người cõng người bị nạn từ vực lên đường nhưng không thuê được ai. Thấy vậy, tôi nhảy vào cõng người bị nạn lên”, Hoàng kể.
Nhiều vụ tai nạn, nhờ sự bình tĩnh và nhanh trí của Hoàng và những người khác mà đã cứu sống được nạn nhân. Năm 2016, chiếc xe tải chở xi măng bị lật. Nhận được điện thoại, Hoàng tức tốc đến hiện trường. Xe bị lật xuống vực, 1 nạn nhân văng ra ngoài xe, tử vong. Trong cabin còn 1 người bị thương nặng, mắc kẹt.
“Lúc đó, nạn nhân bị thương, đầu dốc ngược xuống đất, sức khỏe yếu dần. Mình vội lấy chai nước, cắm vòi luồn vào cabin cho nạn nhân uống trước khi y tá đến truyền dịch. Tiếp đó, bọn mình lấy xà beng, máy cắt để phá cửa cứu nạn nhân. Sau một hồi vật lộn, chiếc cửa được cậy ra, nạn nhân được đưa đi cấp cứu kịp thời nên bảo toàn tính mạng”, anh Hoàng kể.
Cứu người không màng trả ơn
Một “chiến hữu” của anh Hoàng cũng tự nguyện tham gia cứu hộ, cứu nạn trên khu vực đèo Lò Xo là anh Ngô Văn Giáp, nhân viên Trạm Kiểm dịch động vật Măng Khênh (đóng trên đèo Lò Xo). Theo anh Giáp, do công việc nên anh hay nhận được tin báo của cảnh sát giao thông khi có vụ tai nạn trên đèo.
“Mỗi lần nghe báo, thú thật mình rụng rời tay chân. Hình ảnh người bị nạn đang kêu la đau đớn cứ hiện lên, thôi thúc mình phải lao đến cứu giúp cho bằng được”, anh Giáp nói.
...và anh Giáp là những nhân tố tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn trên đèo Lo Xo
Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Kon Tum cho biết, có nghe việc người dân sinh sống trên đèo Lò Xo như anh Hoàng, anh Giáp tích cực cứu hộ, cứu nạn trong các vụ tai nạn bất kể ngày đêm. “Những vụ tai nạn trên đèo, để hạn chế thương vong người bị nạn, ngoài việc có đội ngũ y bác sĩ cấp cứu, thì có công lớn của người dân sinh sống trên đoạn đường đèo, trong đó có anh Giáp và Hoàng. Họ là những người có mặt đầu tiên tại hiện trường. Nhờ họ, người bị nạn được cứu và đưa đi cấp cứu kịp thời. Các anh đáng được tuyên dương, nhân rộng”, ông Hướng nói.
Một vụ cứu hộ khiến anh Giáp không thể quên là tai nạn xe khách xảy ra năm 2015 làm 1 người chết, hàng chục người bị thương.
“Nhận được tin, tôi với Hoàng chạy xuống ngay. Lúc ấy, xe lao xuống vực sâu khoảng hơn 30m, bên trong có rất nhiều người. Lực lượng cứu hộ phải cắt sắt, cạy cửa mới đưa được các nạn nhân ra. Chúng tôi cùng lực lượng chức năng bám dây, thay nhau đưa từng người lên cấp cứu. Xong việc, áo quần lấm lem, rách nát, cảnh sát giao thông cho 2 anh em áo khoác để mang cho khỏi lạnh. Phải mất mấy ngày sau, 2 anh em mới hồi sức”, anh Giáp chia sẻ.
Mới đây nhất, Hoàng và Giáp tham gia cứu hộ vụ lật xe khách 45 chỗ mang BKS 90B-005.32, xảy ra vào rạng sáng ngày 1-3-2018, làm 1 người chết, 20 người bị thương.
“Nhận tin là mình cầm đèn pin, xà beng, máy kích, phóng xe máy tới hiện trường. Đến nơi, thấy cảnh tượng thật kinh hoàng. Chiếc xe tan hoang, dưới đất mảnh vỡ vương vãi khắp nơi. Người trên xe gào khóc, những người bị thương giãy giụa. Anh em tôi đập kính chui vào, cõng người ra, rồi phát bụi để cùng đơn vị chức năng đưa người bị nạn ra. Mất mấy tiếng đồng hồ thì người bị nạn mới được đưa ra hết khỏi xe”, Hoàng kể.
Theo Hoàng và Giáp, trong thời gian sinh sống và làm việc trên đèo, hai anh tham gia cứu hộ hàng chục vụ tai nạn trên đèo Lò Xo, bao gồm các vụ tai nạn xe máy, xe khách và xe tải. Có những vụ tai nạn, khi đến nơi thì nạn nhân đã chết, các anh tham gia đưa thi thể từ dưới vực lên. Có vụ nạn nhân mắc kẹt trong xe thì tham gia cứu, cõng đưa nạn nhân ra khỏi xe trước khi được bộ phận y tế đưa đi cấp cứu.
“Tôi làm nghề sửa xe, cuộc sống cũng không giàu có, hàng ngày vẫn bươn chải kiếm tiền nuôi gia đình. Nhiều năm cứu hộ, tôi chưa nhận một ai một đồng và cũng không mong được người khác trả ơn. Việc cứu người đối với tôi đều xuất phát từ cái tâm là muốn cứu người bị nạn, hạn chế thương vong tối đa. Nếu còn sức, còn sinh sống trên đèo, tôi vẫn còn tham gia cứu người”, anh Hoàng nói.