Những công trình đánh đố người khuyết tật

Nhiều công trình xây dựng với chức năng để người khuyết tật (NKT) tiếp cận nhưng trên thực tế chúng rất khó sử dụng, thậm chí không thể sử dụng vì thiết kế, xây dựng… quá vô lý!

Nhiều công trình xây dựng với chức năng để người khuyết tật (NKT) tiếp cận nhưng trên thực tế chúng rất khó sử dụng, thậm chí không thể sử dụng vì thiết kế, xây dựng… quá vô lý!

Luật Người khuyết tật, các nghị định và cụ thể là Thông tư 21/2014 do Bộ Xây dựng ban hành đều quy định, các công trình phải đảm bảo cho NKT tiếp cận. Hướng dẫn chi tiết thiết kế, xây dựng có QCVN 10:2014/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng. Quy chuẩn này được phát triển và kiện toàn từ QCXDVN 01:2002. Như vậy, từ lâu Việt Nam đã có các quy định về công trình đảm bảo NKT tiếp cận. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các công trình này vẫn thuộc dạng… “hàng hiếm”.

“Bẫy” đầy đường

Xô Viết Nghệ Tĩnh là một trong số ít tuyến đường ở TPHCM có vạch kẻ nổi trên vỉa hè dành cho người khiếm thị. Thế nhưng, ngay cả người sáng mắt di chuyển theo vạch kẻ nổi này cũng dở khóc dở cười. Các đoạn giao với đường hẻm, tuy thiết kế dốc thoải nhưng vẫn còn khá cao, dễ làm cho người khiếm thị bước hụt chân, thậm chí đoạn trước Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật (phường 17, Bình Thạnh), phần dốc thoải dẫn lên đường dành cho NKT bị bể nên để lộ ra trụ sắt dễ gây té ngã và thương tích cho người khiếm thị. Không chỉ vậy, đường vạch kẻ nổi này hay bị rẽ hướng đột ngột vì các chướng ngại vật trên vỉa hè nhưng không có dấu hiệu cảnh báo trước. Trước nhà hàng Pizza Hut, phường 17, Bình Thạnh, có đoạn sân tường gạch xây chìa ra vỉa hè khoảng 1m, vạch kẻ nổi đi qua đoạn này cũng phải chuyển hướng nhưng chỉ có người sáng mắt mới nhìn thấy, người khiếm thị chắc chắn sẽ bị va vào tường. Trong khi vạch kẻ nổi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, bị gián đoạn bởi tủ điện, băng ghế nhà chờ xe buýt… chẳng khác nào những chiếc bẫy đối với NKT!

Tủ điện trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 sẽ khiến người khiếm thị gặp trở ngại

Chị Liêu Thị Ngọc Hiếu, một NKT ở huyện Hóc Môn cho biết thêm, vạch kẻ nổi trên đường Cách Mạng Tháng Tám cũng bị gián đoạn bởi gốc cây, trụ đèn… nhưng không có cảnh báo cho NKT. Chị Hiếu kể, năm trước chị đến Công viên Tao Đàn, ở đây nhà vệ sinh khang trang có phòng vệ sinh dành cho NKT nhưng cửa nhỏ nên xe lăn không vào được. “Tuần trước tôi quay trở lại thì phòng vệ sinh ấy đã thành nhà kho chứa đồ, tôi đi tìm nhà vệ sinh khang trang khác thì phòng vệ sinh dành cho NKT quá nhỏ, xe lăn vào là kẹt cứng, không đóng cửa được. Cũng may tôi đi cùng nhiều bạn sinh viên nên các bạn lấy áo khoác che cửa giúp tôi”, chị Hiếu kể.

Theo quy định, tất cả công trình từ công cộng đến nhà chung cư đều phải dành chỗ đậu xe cho NKT, phải gần lối vào công trình, gần đường dành cho người đi bộ...  Bà Lưu Thị Ánh Loan, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển, cho hay NKT được đậu xe tại các bãi xe công cộng hay không còn tùy vào “tâm trạng và tấm lòng” của… người giữ xe, bởi thực tế đa số các bãi đều không chừa chỗ, nhiều nơi còn từ chối thẳng việc giữ xe 3 bánh của NKT với lý do chiếm diện tích!

Đừng vì lợi nhỏ

Chia sẻ về công trình để NKT dễ tiếp cận, giám đốc một công ty tư vấn - thiết kế, không giấu được sự bức xúc: “Bản thân người làm thiết kế nắm rất rõ quy định về thiết kế công trình đảm bảo tiếp cận cho NKT. Đó không chỉ là quy định của pháp luật mà còn là tính nhân văn giữa người với người, tính văn minh trong các đô thị phát triển. Tôi thấy các chủ đầu tư dự án cũng biết rõ quy định này nhưng họ cố tình bỏ qua và bắt tư vấn thiết kế không đưa các công trình đó vào bản vẽ hoặc khi xây dựng cố tình ngó lơ. Đa phần ở các chung cư hiện nay, công trình cho NKT chỉ đầu tư đến cái ram dốc là hết, nhiều nơi cũng đầu tư cho có vì ram dốc quá cao, người đi xe lăn không có người đẩy cũng chịu”. Cũng theo vị giám đốc này, chi phí đầu tư các công trình tiếp cận cho NKT vô cùng nhỏ so với chi phí đầu tư công trình, chẳng hạn một bảng chữ nổi Braille trong thang máy hay hệ thống âm thanh báo tầng đến cho người khiếm thị chẳng tốn bao nhiêu tiền nhưng rất ít các công trình nói chung ở thành phố đầu tư thiết bị này trong thang máy.

Bà Ánh Loan cho hay, tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo nhiều quốc gia chưa sử dụng hết lực lượng lao động là NKT. Trên thực tế, nhiều NKT vẫn có thể làm việc tự nuôi sống bản thân nhưng một số rào cản về chính sách, kỳ thị của xã hội… đã hạn chế năng lực làm việc của họ; trong số đó có vấn đề thiếu đầu tư các công trình hỗ trợ. “Từ việc chạy theo vài lợi ích nhỏ trong quá trình xây dựng mà chúng ta đã lãng phí một nguồn lực lớn để tạo ra kinh tế cho xã hội”, bà Ánh Loan nhận xét. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng như một số cơ quan chức năng chưa nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về chức năng của các công trình đảm bảo cho NKT tiếp cận. “Đừng nghĩ rằng những dạng công trình này chỉ dành cho NKT bẩm sinh nên nơi nào không có hoặc ít NKT thì không cần đầu tư. Chúng ta không ai biết trước điều gì, tai nạn có thể xảy ra và một người bình thường cũng có thể trở thành NKT tạm thời hoặc cả đời. Bên cạnh đó, dân số của chúng ta đang già đi, việc leo lên các bậc thềm trong chung cư hay vỉa hè sẽ ngày càng vất vả theo năm tháng. Cho nên các công trình này, không chỉ dành cho NKT mà đúng hơn là cho những người giảm năng lực tiếp cận, bao gồm cả trẻ em và người lớn tuổi. Từ đó, cho thấy các dạng công trình bổ trợ này là vô cùng cần thiết trong xã hội chứ không nên chỉ đầu tư cho có hình thức”, bà Ánh Loan nói.

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp (Trường Đại học Bách khoa TPHCM) khẳng định, Việt Nam đã tham gia công ước của Liên hiệp quốc về NKT nên bắt buộc phải tuân thủ các quy chuẩn về đảm bảo tiếp cận cho NKT, bao gồm cả quy chuẩn về thiết kế - xây dựng công trình. Bản vẽ thiết kế công trình không đảm bảo cho NKT tiếp cận thì không nên được duyệt và không cấp giấy phép thi công hoặc nếu công trình đã xây xong mà không có phần tiếp cận hoặc tiếp cận không được thì không nghiệm thu, không cho đưa vào sử dụng. Thế nhưng vì nhiều lý do, các cơ quan nhà nước đã bỏ qua các công trình không đảm bảo cho NKT tiếp cận trong quá trình giám sát đầu tư dự án. “Một công trình bị bỏ qua kéo theo hàng loạt công trình bị bỏ qua. Do vậy, khâu cần chấn chỉnh đầu tiên chính là chức năng kiểm tra, giám sát, phê duyệt dự án của các cơ quan chức năng. Có chặt chẽ như vậy thì các khâu khác như thiết kế, xây dựng… sẽ tự động chấn chỉnh theo”, ông Hiệp đề xuất.

Khánh Lê

Tin cùng chuyên mục