Sách dày 584 trang, in 74 hồi ký của gần 60 tác giả, trong đó có 14 bài viết của đồng chí Phan Văn Khải phác thảo bức tranh chân dung tự họa trong 85 năm đồng hành cùng lịch sử quang vinh của đất nước.
Ấn phẩm này không phải là sách nghiên cứu cuộc đời những chính khách, danh nhân hay viết về thân thế và sự nghiệp của các anh hùng hào kiệt. Đây là những trang ký ức thắm thiết nghĩa tình hội tụ những điều “nhớ lại và suy nghĩ”, có mãnh lực truyền cảm, in đậm dấu ấn vượt thời gian của một con người cống hiến toàn tâm cho đất nước, đã sống hết mình vì mọi người và khắc ghi sự biểu thị tấm lòng ưu ái mến mộ của mọi người đối với một con người. Người đó, chính là đồng chí Phan Văn Khải.|
Cuốn sách “Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân” bố cục theo 4 phần: Những trước tác của Thủ tướng Phan Văn Khải; Thủ tướng Phan Văn Khải qua ký ức của đồng chí, người thân, bạn bè; Dấu ấn của Thủ tướng Phan Văn Khải trên một số lĩnh vực; Đồng chí Phan Văn Khải trong 10 năm hoạt động cuối đời.
Giá trị tinh hoa về tư tưởng được thể hiện tập trung trong phần I với 5 bài hồi ký, hồi ức và 9 bài chuyên luận của đồng chí Phan Văn Khải viết về đề tài giáo dục truyền thống cách mạng, về 30 năm kháng chiến thần thánh của dân tộc, về 2 cuộc cách mạng vĩ đại nối tiếp nhau diễn ra trên đất nước ta - cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với lối viết chân thật, sinh động, mộc mạc và giàu biểu cảm, những bài hồi ký, tự thuật và chuyên luận của đồng chí Phan Văn Khải đã giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ cách mạng là đầu tàu của lịch sử, nhận thức được các cao trào nổi dậy của quần chúng và những giai đoạn nhảy vọt của thời cơ cách mạng đã tạo ra những bứt phá kỳ vĩ diễn ra tại vùng đất Nam bộ và trên đất nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng trải qua 7 thập niên, từ 60 năm cuối thế kỷ 20 đến 20 năm đầu thế kỷ 21.
Qua từng trang hồi ký, tự thuật và chuyên luận, chẳng những độc giả mục kích được con đường chiến đấu trường kỳ gian khổ của đồng chí Phan Văn Khải đã trải qua, mà còn tiếp thu những bài học tu dưỡng vô cùng quý báu đã được đồng chí rèn luyện thành công từ lúc làm cán bộ thiếu nhi xã Tân Thông Hội, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định trong những năm đầu của cuộc Cách mạng mùa Thu tháng Tám 1945 đến khi kết thúc 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phần II gồm 29 bài viết giàu cảm xúc, được thể hiện qua kỷ niệm và ký ức sâu đậm của các chiến hữu, thân nhân và bạn bè. Con người và cuộc đời đồng chí Phan Văn Khải có sức hấp dẫn và được sự lan tỏa mạnh mẽ trong đồng chí và đồng bào bằng cái chân, cái thiện và cái mỹ; bằng việc tiếp thu đạo lý truyền thống tốt đẹp của tổ tiên: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; bằng sự quán triệt vận dụng, tư tưởng, phong cách và nếp sống của người “cán bộ Cụ Hồ”: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Trong phần III, 17 bài viết của 19 tác giả đã tôn vinh nhiệt tình tâm huyết và làm nổi bật dấu ấn năng động sáng tạo của đồng chí Phan Văn Khải qua những chặng đường đột phá. Từ việc tích cực tham gia “tháo gỡ” sự trói buộc của cơ chế quản lý kinh tế - xã hội đã quá lỗi thời nhằm làm “bung” tiềm năng sản xuất kinh doanh của thành phố Hồ Chí Minh ở giai đoạn đầu tiến hành “cải cách”, “mở cửa” trong “đêm trước” của thời kỳ đổi mới. Tính năng động và bản lĩnh sáng tạo của đồng chí Phan Văn Khải càng được nhân lên mạnh mẽ trong 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng, đã góp phần tạo ra những bứt phá ngoạn mục trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển.
Với 14 bài viết ở phần IV, các tác giả đã nêu cao tấm gương đồng chí Phan Văn Khải thể hiện sinh động ý chí chiến đấu và tinh thần cách mạng tiến công trong 10 năm hoạt động cuối đời. Thấm nhuần sâu sắc Điều lệ Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng”, đồng chí Phan Văn Khải đã toàn tâm toàn ý thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ: “Làm sao cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Sau khi rời khỏi chính trường để trở về giữa cuộc sống đời thường, từ cương vị Thủ tướng Chính phủ của một quốc gia, đồng chí Phan Văn Khải đã tự nguyện làm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TPHCM). Đồng chí đã vận động lập quỹ khuyến học khuyến tài của xã có được hàng tỷ đồng và ra sức hỗ trợ cho chính quyền địa phương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn (điện, đường, trường, trạm), giúp cho bà con nông dân có được cơ hội để nhanh chóng thoát nghèo.
Ở phần cuối cuốn sách này, còn tôn vinh cống hiến xuất sắc trong những năm cuối đời của đồng chí Phan Văn Khải trên lĩnh vực giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng ta cho nhân dân, cho thế hệ trẻ, cho đời sau. Từ mùa xuân 2008 đến cuối năm 2017, đồng chí Phan Văn Khải cùng một số cán bộ lão thành chí cốt tích cực hỗ trợ cho nhiều địa phương tổ chức thực hiện việc bảo tồn và tôn tạo toàn bộ các căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. “Thủ đô kháng chiến” tại bưng biền Đồng Tháp Mười, căn cứ địa huyền thoại ở U Minh, chiến khu Dương Minh Châu trên vùng đất thánh Bắc Tây Ninh… đều được tổ chức bảo tồn và tôn tạo tại thực địa hoặc được tái hiện trong hàng loạt phim tài liệu, sách hồi ký kháng chiến và các nhà trưng bày hiện vật lịch sử cách mạng…
Trước khi vĩnh biệt đất nước và nhân dân, đồng chí Phan Văn Khải đã để lại một di sản trường tồn trong bộ sách hồi ký kháng chiến đồ sộ của Thành ủy TPHCM viết về: “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc - dân chủ - hòa bình và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
Đối với chúng ta việc xuất bản cuốn sách này, chẳng những để thắp một nén nhang thơm nghiêng mình tưởng nhớ đồng chí Phan Văn Khải trong ngày giỗ đầu, mà còn để thực hiện những điều tâm nguyện thiết tha của đồng chí lúc sinh thời trong công tác xây dựng Đảng, nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống hiện nay.