Thăm thương bệnh binh ở Trung tâm Long Đất

Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thực hiện đền ơn, đáp nghĩa, đoàn công tác Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM vừa đến thăm và tặng quà thương bệnh binh tại Trung tâm Thương binh và người có công Long Đất, thuộc Bộ LĐTB-XH, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi tắt là Trung tâm).
Thăm thương bệnh binh ở Trung tâm Long Đất

Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thực hiện đền ơn, đáp nghĩa, đoàn công tác Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM vừa đến thăm và tặng quà thương bệnh binh tại Trung tâm Thương binh và người có công Long Đất, thuộc Bộ LĐTB-XH, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi tắt là Trung tâm).

Khác hẳn ngày thường, không khí từ hội trường Trung tâm đến ngoài sân rộn rã tiếng đàn, tiếng vỗ tay cùng nhiều chuyện kể về thời chiến tranh ác liệt ở biên giới Tây Nam, ở ngã ba Đồng Lộc... Khách đến thăm lần đầu thường ngạc nhiên vì hội trường chỉ có một dãy ghế dành cho khách, nhưng sau đó đều xúc động khi thấy các anh thương binh ngồi xe lăn lần lượt vào. Khi tặng quà xong, nhiều khách đến thăm hỏi cuộc sống thương bệnh binh trong Trung tâm. Một thương binh nói: “Cuộc sống của thương bệnh binh tuy ngắn ngủi với nhiều thương tật nhưng mỗi ngày đều có niềm vui khác nhau, đến ngày 27-7 lại vui mừng vì có thể gặp lại được đồng đội, cùng nghe hát những bài ca cách mạng…”.

Vui mừng gặp lại đồng đội cũ

Lắng nghe những ca khúc cách mạng do khách hát tặng, thương binh Nguyễn Văn Hoàng (hơn 50 tuổi) vui vẻ cho biết, mới hơn 20 tuổi anh đã đi chiến trường Tây Nam, rồi bị thương cột sống do pháo văng miểng với thương tật 96%, điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 được vài năm rồi chuyển vào đây. Do đi bộ đội từ thời trẻ nên anh chưa lập gia đình, lâu lâu người thân ở dưới quê Long An lên thăm. Sống trong đây không sợ buồn vì hầu như tuần nào cũng có đoàn đến thăm hỏi. Từ ngày có được chiếc xe máy 3 bánh, cảm thấy khỏe mạnh anh lại chạy về thăm người thân. Nét mặt tươi cười, chú Nguyễn Xuân Nguyên (65 tuổi, quê Nghệ An) tình cờ gặp lại đồng đội cũ, bao chuyện ngày xưa lại được dịp tuôn tràn. Chú Nguyên bị thương ở chân, đầu rồi bị thêm ở cột sống nên chỉ ngồi một chỗ. Sau khi vào Trung tâm, chú Nguyên được cấp nhà tình thương ở gần đấy để sống cùng vợ và con nhỏ. Tuy vậy, thời gian chú sống ở Trung tâm vẫn nhiều hơn, vì mỗi lần thời tiết chuyển mùa cơ thể mệt mỏi, nhức xương khớp phải cần có sự chăm sóc y tế tức thời.

Ông Nguyễn Cảnh Hòa, Giám đốc Trung tâm cho biết, trong năm 2015, Trung tâm điều trị, nuôi dưỡng 62 thương bệnh binh, hỗ trợ điều trị 23 thương bệnh binh đã về an dưỡng tại gia đình, tổ chức thăm khám, điều trị tại chỗ hơn 2.000 lượt thương bệnh binh, phối hợp nhiều tỉnh phía Nam điều dưỡng luân phiên với 935 lượt người có công (có 2 Mẹ Việt Nam anh hùng, 131 thân nhân gia đình liệt sĩ, 573 thương bệnh binh các loại, 231 người có công). Năm 2016, Trung tâm sẽ xây thêm phòng điều dưỡng để nhận nuôi Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục