Tổ ấm của những chú chim non bất hạnh

Suốt 6 năm từ khi thành lập đến nay, Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền (Q2, TPHCM) không chỉ là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ mà còn là ngôi nhà an lành, hạnh phúc của gần 70 em nhỏ bị hội chứng down thiểu năng và tự kỷ…
Tổ ấm của những chú chim non bất hạnh

Suốt 6 năm từ khi thành lập đến nay, Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền (Q2, TPHCM) không chỉ là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ mà còn là ngôi nhà an lành, hạnh phúc của gần 70 em nhỏ bị hội chứng down thiểu năng và tự kỷ…

Tiết học kỹ năng sống với môn “tự pha nước chanh” để mời khách của các em nhỏ lớp “Hướng Dương” diễn ra khá sinh động và thú vị.

Các em thiểu năng Trường Giáo dục đặc biệt Thảo Điền đang học pha nước chanh. Ảnh: KỲ VỌNG

Các em thiểu năng Trường Giáo dục đặc biệt Thảo Điền đang học pha nước chanh. Ảnh: KỲ VỌNG

Bên chiếc bàn gỗ màu hồng, phía trên bày các dụng cụ pha chế, cô giáo Phạm Thị Ngọc Tuyền, chủ nhiệm lớp, vừa làm vừa chậm rãi hướng dẫn các cháu nhỏ cách làm thế nào để pha một ly nước chanh thật ngon và dễ uống. Bốn bạn nhỏ, hai nam và hai nữ trong trang phục làm bếp với nón đội đầu, chiếc tạp dề màu đỏ, tròn xoe mắt chăm chú nhìn theo từng động tác của cô giáo.

Trong lúc các em nhỏ mải mê thực hành, cô Tuyền quay sang tâm sự với chúng tôi: “Lúc mới được phụ huynh gửi vào đây, ý thức nhận biết về mình và xã hội chung quanh của các cháu rất thấp. Hiểu hoàn cảnh kém may mắn của các cháu, chúng tôi rất thương nên kiên trì hướng dẫn các cháu, từ động tác đơn giản như cầm nắm đồ vật, đến khó hơn là giao tiếp, ứng xử. Đến nay các cháu không chỉ biết tự chăm sóc mình mà còn biết giúp bạn và cô giáo những việc như quét dọn phòng học, chỉ bảo nhau chơi trò chơi tập thể, thậm chí là học các môn kỹ năng sống như pha chế, nấu nướng những món đơn giản nhất… Chúng tôi xem đó là niềm vui và hạnh phúc của mình”.

Ở lớp chậm phát triển và tự kỷ, cô giáo Nguyễn Thị Thu Cúc cũng đang dạy cách sử dụng đồ chơi cho bốn cháu nhỏ gồm hai trai, hai gái. Hỏi thăm về cháu gái đang ngồi một mình trong góc lớp, tay mân mê chiếc giỏ đồ chơi bằng nhựa, cô Cúc cho biết, cháu tên Nguyễn Ngọc Kim Ngân (3 tuổi) bị chứng tự kỷ. Theo cô Cúc, dạy và kèm cặp trẻ tự kỷ cực hơn gấp nhiều lần so với trẻ bị Down và chậm phát triển. Những ngày đầu được bố mẹ gửi vào, cháu Ngân gần như vô hồn chỉ ngồi một chỗ, tất cả mọi chuyện từ ăn, ngủ đến vệ sinh cá nhân đều do các cô làm thay. Tính tình cháu rất khó chịu và hay có những động tác bất thường. Sau nhiều lần quan sát, tìm hiểu tâm lý, bằng sự kiên trì dạy đi dạy lại những động tác đi đứng, cầm nắm, vận động cá nhân cộng với việc bố trí cho các cháu nhỏ khác chơi cùng, dần dần bé Ngân đã có sự thay đổi rõ rệt. Cháu biết chơi đồ chơi, biết gật đầu chào khi có khách và bố mẹ đến thăm.

Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền được xây dựng với kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ sự đóng góp của cán bộ giáo viên, công nhân viên chức ngành giáo dục thành phố và quận 2. Năm học đầu tiên (2003) chỉ có 14 em nhỏ, đến nay số học sinh đã tăng lên 66 em. Ngoài các bài học về rèn luyện kỹ năng, em còn được học các bộ môn như làm toán, vẽ tranh trên máy tính, trên cát. Từ đầu năm 2009 đến nay, các em nhỏ của trường đã được tham gia rất nhiều hoạt động văn thể mỹ và đạt các thành tích rất đáng khâm phục như: giải 3 tập thể bóng đá dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, giải nhì độc tấu organ và 5 giải khuyến khích trò chơi vận động tại hội thao dành cho trẻ khuyết tật tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động thành phố...

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục