Lừa gạt sinh viên nghèo tìm việc

ều chiêu trò lừa

Facebook Việc làm siêu thị rao thông tin tuyển dụng sinh viên làm việc theo thời gian rảnh, nhận lương theo ngày, làm tại cụm rạp chiếu phim CGV ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, làm theo ca tại các bộ phận bán vé, soát vé, coi camera, bán quầy bắp và nước giải khát… Tin vào lời rao này, nhiều sinh viên nghèo có nhu cầu làm thêm đã bị lừa gạt.

Nghèo còn mắc eo

Lời rao tuyển dụng đó đã thu hút nhiều sinh viên, do không cần bằng cấp, không cần ngoại hình, trong khi hứa hẹn mức lương, thưởng và các chế độ khác rất hấp dẫn. Sinh viên P.V., học năm thứ tư Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, đang cần khoản tiền để đóng tiền thực tập, nên cố gắng tìm một công việc bán thời gian trong vòng một tháng, đã gọi điện liên hệ Phòng Nhân sự theo số điện thoại rao trên facebook Việc làm siêu thị.

Ngày 17-2-2017, sinh viên P.V. đến địa chỉ 22 Cao Đức Lân (phường An Phú, quận 2) để được phỏng vấn. Anh T. - người tiếp P.V. - cho hay sẽ nhận P.V. vào làm việc ngay, không cần chứng minh nhân dân hay giấy tờ gì hết. P.V. sẽ được giao công việc soát vé tại CGV Vincom Thủ Đức, ca sinh viên 4 tiếng/ngày (lương 2,8 triệu đồng/tháng); rồi bảo P.V. ký giấy nhận việc, đóng 370.000 đồng tiền đồng phục đi làm, và dặn: “Sau 30 - 45 ngày, em quay lại công ty lấy lại tiền đồng phục”. Anh T. hẹn ngày 23-2-2017 đến địa chỉ 135/37/1 đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) để nhận đồng phục và đi làm. Ngày 23-2, sinh viên P.V. có mặt tại địa chỉ đó thì lại được hẹn 4 ngày sau đến 249 Nguyễn Văn Lương (phường 10, quận Gò Vấp) và lại phải đóng thêm 250.000 tiền phí làm thẻ nhân viên và thẻ ATM. Sau đó P.V. mới hay công việc mình được giao không phải tại cụm rạp chiếu phim CGV mà làm nhân viên bảo vệ tại Co.opmart Thủ Đức. Số tiền 250.000 đồng là phí dịch vụ môi giới qua Công ty TNHH Tư vấn Phong Phú.

Nhan nhản hoạt động giới thiệu việc làm qua mạng xã hội

Do đã lỡ đóng tiền, nếu không đi làm khó có thể lấy lại, P.V. đành cắn răng làm theo hướng dẫn với hy vọng sau 1 tháng đi làm có thể nhận lại 370.000 đồng tiền đồng phục. Nhưng khi P.V. trở lại để nhận việc, bị hỏi hồ sơ xin việc đâu, rồi bị yêu cầu bổ sung hồ sơ gấp, gồm giấy khám sức khỏe, sơ yếu lý lịch, giấy xác nhận hạnh kiểm của UBND phường nơi tạm trú…, tất cả phải có công chứng đầy đủ. Đến lúc này, P.V. thực sự biết mình bị lừa, đành ngậm ngùi trở về và chịu mất tổng cộng 620.000 đồng đã đóng.

Nhiều chiêu trò lừa

Qua câu chuyện của sinh viên P.V. phản ánh, chúng tôi tìm hiểu thêm, được biết rất nhiều sinh viên và người lao động khác cũng bị một số người môi giới việc làm lừa đảo như vậy. Bằng cách đăng tin tuyển dụng trên các trang mạng giới thiệu việc làm, với những chiêu trò khác nhau, họ đưa ra những công việc phù hợp với sinh viên như bán hàng nửa ngày tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim... Nhiều người phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc, đi nhiều địa điểm khác nhau, sau đó chỉ được nhận công việc bảo vệ. Là sinh viên thì khó có thời gian để làm thêm nghề bảo vệ chuyên nghiệp, nên đa số phải bỏ cuộc giữa chừng.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các bạn trẻ. Khi tìm việc, nếu cảm giác không an toàn và chưa đủ tin tưởng, hãy đi cùng người thân, tìm hiểu thật kỹ càng và nghe lời khuyên từ những người đi trước. Để tránh bị lừa đảo, người có nhu cầu tìm việc làm nên chú ý xem xét kỹ thông tin niêm yết của các công ty dịch vụ việc làm, chọn công ty uy tín, hạn chế thông qua môi giới; khi đóng các loại phí và ký hợp đồng cần đọc kỹ thông tin cam kết. Các tổ chức Đoàn TNCS ở trường và địa phương cũng nên vào cuộc, tham gia giới thiệu và hỗ trợ tốt nhất cho các bạn sinh viên tìm việc làm thêm.

NGUYỄN NHƯ

Tin cùng chuyên mục