Vỉa hè... tan nát

Nhiều đoạn vỉa hè tại TPHCM đã bị xuống cấp, hư hại nặng nhưng chưa được sửa chữa. Vỉa hè hư hại do việc sử dụng không đúng chức năng và bị đào bới làm công trình ngầm rồi tái lập cẩu thả.

Vỉa hè lát đủ thứ gạch

Tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai là một trục đường chính của TPHCM. Vỉa hè từ đầu đường cho đến cuối đường này được ốp gạch con sâu, nhưng nay đã bị hư. Tại đoạn đối diện Hội trường Thống Nhất (thuộc địa bàn quận 3), vỉa hè đã nát như tương, gạch bể vụn, có chỗ lòi ra cả đất. Con đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nên từ sáng cho tới chiều có rất nhiều người đi xe máy chạy lên lề đường, càng làm vỉa hè thêm tan nát. Tương tự vậy, vỉa hè các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Sư Vạn Hạnh, Ngô Gia Tự… như chiếc áo rách te tua, phải chắp vá lung tung.

Vỉa hè đường Kênh Tân Hóa lát gạch granite, nay bị vỡ vụn nát vì xe máy

Vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch được ốp đủ thứ gạch, nên có nhiều màu sắc. Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, nhân viên văn phòng một công ty trên đường Phạm Ngọc Thạch, lắc đầu nói: “Đường này nằm ở trung tâm TP, vậy mà vỉa hè thật kinh khủng. Có nơi vỉa hè tráng xi măng, có nơi lát gạch ốp terrazzo, chỉ có phần vỉa hè trước các tòa nhà cao ốc là được lát gạch đẹp, sạch sẽ. Có lần tôi dẫn khách hàng nước ngoài tản bộ để đi ăn cơm, thấy nền vỉa hè quá nhếch nhác, họ chê bai chúng tôi mướn văn phòng có địa hình xấu”. Chị Ngọc Mai, nhân viên một cửa hàng trên đường Thủ Khoa Huân, bức xúc: “Nào là xe máy chạy lên, nào là đào đường rồi không tái lập nguyên trạng. Sau khi thi công công trình ngầm, lúc mới tái lập thì thấy rất bằng phẳng, nhưng chỉ vài hôm đã lún xuống. Do vậy, được vài bữa thì gạch lại bể”.

Ngay cả gạch granite đắt tiền và chắc chắn nhưng cũng không chịu nổi việc bị nhiều xe máy, thậm chí cả ô tô, chạy lên. Vỉa hè đường Kênh Tân Hóa (đoạn giao lộ Âu Cơ) được lát gạch granite nhưng nay đã bể nát, nhiều chỗ bị nứt gạch, xe máy chạy qua nghe lốp bốp. Anh Lê Văn Sơn (nhà trên đường Lũy Bán Bích) cho biết: “Vỉa hè đường này hồi mới đưa vào sử dụng vài tháng đã có rất nhiều viên gạch bị bể, do làm nền không bằng phẳng, dẫn đến bị bộng bên dưới. Chỉ cần xe máy chạy qua thì gạch bị nứt, rồi dần trồi lên tụt xuống”. Tương tự, nhiều đoạn vỉa hè đường Nguyễn Văn Trỗi được lát gạch granite cũng bị nứt gạch do xe máy chạy lên.

Quản lý được thì mới làm

Hiện nay, phần lớn vỉa hè ở TPHCM được giao về các quận - huyện quản lý, đầu tư thay mới, sửa chữa. Tuy có nguồn ngân sách để bảo trì, duy tu vỉa hè, nhưng nhiều nơi vừa mới thay gạch được vài tháng là nứt, do xe máy leo lên. Thay mới thì rất dễ nhưng bảo vệ vỉa hè thì khó vô cùng. Theo nhiều chuyên gia giao thông,  mỗi quận - huyện ốp loại gạch khác nhau đã dẫn đến tình trạng không đồng bộ, mất mỹ quan đô thị. Cần phải thống nhất chung để làm đẹp TPHCM.

Phòng Quản lý đô thị quận 10 cho biết: “Trong năm 2016, phòng đã cho sửa chữa nhiều vỉa hè các tuyến đường lớn đã hư nặng, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Từ năm 2017, UBND quận phối hợp với các đơn vị thi công đào đường như điện lực, viễn thông, cấp nước… để thi công đồng bộ, tránh đào đường nhiều lần gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ông Đỗ Minh Long, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, cho hay: “Trong năm nay sẽ thay mới vỉa hè 7 tuyến đường lớn như Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Phạm Ngọc Thạch… bằng gạch terrazzo. Khi thay vỉa hè mới sẽ phối hợp với các đơn vị thi công đào đường. Để hạn chế xe máy chạy lên, nhiều tuyến đường đi qua công sở sẽ trồng thảm xanh”.

Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho biết: “Ở nước ngoài, vỉa hè có tuổi thọ rất lâu, do không có xe máy đi lên, đơn vị thi công và kiểm tra chất lượng công trình đều làm việc nghiêm ngặt, nên không xây dựng cẩu thả. Trong khi đó, ở nước ta, tuổi thọ vỉa hè chỉ vài tháng là hư, do bị lấn chiếm, xâm phạm. Nếu quản lý được vỉa hè (xử phạt nặng xe máy leo lề và đơn vị đào đường tái lập cẩu thả) thì hãy nên làm, để tránh lãng phí tiền của dân”. Đồng quan điểm, ông Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng phải điều chỉnh vỉa hè lại cho phù hợp: “Vỉa hè bị lấn chiếm, sử dụng không đúng chức năng, nên bị hư nhanh. Nếu làm lại thì phải nghiên cứu xem có cần thu hẹp vỉa hè hay không”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục