Trụ sở khu phố, chốt dân phòng chiếm vỉa hè

Nhiều phường ở TPHCM tận dụng vỉa hè để xây dựng trụ sở khu phố, chốt dân phòng làm nơi họp, trực gác. Khi trụ sở khu phố, chốt dân phòng đặt trên lề đường thì nhiều nhà dân cũng “ăn theo” chiếm dụng vỉa hè.

Nhiều phường ở TPHCM tận dụng vỉa hè để xây dựng trụ sở khu phố, chốt dân phòng làm nơi họp, trực gác. Khi trụ sở khu phố, chốt dân phòng đặt trên lề đường thì nhiều nhà dân cũng “ăn theo” chiếm dụng vỉa hè.

Phường chiếm dụng vỉa hè, sao phạt dân được?

Nhiều trụ sở khu phố, chốt dân phòng xây dựng trên vỉa hè chiếm gần hết lối đi bộ. Trụ sở “liên ngành” khu phố - chốt dân phòng - hội trường khu phố 5 (phường 13, quận Tân Bình) trở thành “điểm mốc” để nhiều người lấn chiếm khu vực xung quanh buôn bán. Ban ngày, phần vỉa hè hai bên trụ sở trở thành nơi đậu xe cho quán nước ở đối diện, còn ban đêm trở thành nơi bán hàng rong. Cách đó không xa, trụ sở khu phố 7 cũng xây dựng chiếm hết toàn bộ vỉa hè đường Trần Văn Dư. Việc xây dựng trụ sở khu phố quá to chiếm nhiều diện tích vỉa hè, lãng phí và gây mất mỹ quan.

Trụ sở khu phố xây lấn chiếm vỉa hè đường Trần Văn Dư (quận Tân Bình), đẩy người đi bộ xuống lòng đường

Một cư dân gần Công viên Thiên Phước (quận Tân Bình) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP bức xúc: “Chốt dân phòng được đặt ở đây từ lâu, để trực gác, tiếp nhận khai báo lưu trú, nhưng có thấy người ngồi trực đâu. Thỉnh thoảng lắm mới có bảo vệ dân phố đến chút rồi đi. Sát bên chốt là quán nước đặt bàn ghế chiếm dụng công viên mà chẳng ai nhắc nhở, thế nên chẳng hiểu chốt trực này dùng để làm gì nữa”.

Tương tự, trụ sở khu phố trên đường Tân Thành (quận Tân Phú) cũng xây dựng chiếm vỉa hè, chỉ chừa lại khoảng 0,5m dành cho người đi bộ. “Nhờ” có trụ sở chiếm dụng lề đường nên nhà bên cạnh cũng mở quán nước, đặt bàn ghế chiếm luôn vỉa hè. 

Còn tại chốt dân phòng đối diện siêu thị Lotte (đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp), bên trong thấy có người ngồi trực gác. Dù vậy, chẳng hiểu trực gác để làm gì khi ngay bên hông chốt dân phòng, người bán nước bằng xe đẩy vẫn ung dung để bàn ghế chiếm dụng vỉa hè. Trụ sở khu phố sát bên UBND phường 8, một phần đã trở thành nơi sửa xe. Hay sát bên chốt dân phòng đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận) cũng thấy cảnh chiếm dụng vỉa hè đậu xe và sửa xe.

Sẽ tháo dỡ trụ sở, chốt dân phòng không hợp lý

Ông Hoàng Văn Tài, Chủ tịch UBND phường 13 (quận Tân Bình), cho hay: “Trên địa bàn phường có xây dựng trụ sở khu phố - chốt dân phòng - phòng sinh hoạt, tận dụng vỉa hè. Vài năm trước, phường không có trụ sở khu phố, mỗi lần họp phải mượn nhà người dân, mà phường có rất nhiều đảng viên về hưu, nên một nhà không thể ngồi hết. UBND phường cũng nhận thấy tình hình này nên từ lâu đã tham mưu với UBND quận xin tận dụng đất trống để xây dựng trụ sở khu phố, nay đã có 5 trụ sở. Số còn lại tiếp tục chờ cấp đất để xây. Về việc lấn chiếm quanh trụ sở khu phố 5 để buôn bán, phường có xử phạt, nhưng khi lực lượng tuần tra đi thì người buôn bán tái lấn chiếm”.

Theo ông Nguyễn Thành Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận: “Hiện nay, các phường đang xin ý kiến UBND quận về việc để lại chốt dân phòng trên vỉa hè. UBND quận đã xem xét kỹ, cho để lại vài chốt có chừa phần vỉa hè cho người đi bộ. Chốt dân phòng trên đường Thích Quảng Đức đã có quyết định tháo dỡ”.

UBND quận 10 cho biết, hiện các phường đang khảo sát nhu cầu, xem xét vị trí các trụ sở khu phố để giữ các trụ sở có nhu cầu thực tế và có chừa phần vỉa hè cho người đi bộ, tháo dỡ những trụ sở không còn tác dụng. UBND quận Bình Thạnh cho biết, năm 2016 đã tháo dỡ nhiều chốt dân phòng không còn hiệu quả, lấn chiếm vỉa hè. Một số chốt dân phòng được giữ lại để đảm bảo an ninh trật tự, nhưng phải chừa lối đi cho người đi bộ.

Bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho hay: “Quận đã giao các phường rà soát lại toàn bộ trụ sở khu phố, chốt dân phòng nằm trên vỉa hè, đề xuất hướng xử lý. Nếu phường không sắp xếp lại được thì đề xuất quận. Không để trụ sở khu phố, chốt dân phòng lấn chiếm vỉa hè, đẩy người dân phải đi dưới lòng đường. Tuy nhiên, cũng phải tạo điều kiện cho ban điều hành khu phố, bảo vệ dân phố có nơi hoạt động, chứ không thể tháo dỡ ngay để rồi vẫn chưa có địa điểm sinh hoạt. Mặt khác, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận cũng rà soát tìm quỹ đất công để xin xây trên đó, tạo điều kiện cho trụ sở khu phố, chốt dân phòng hoạt động”.

QUÝ NGỌC

Tin cùng chuyên mục