Xem thường hiểm họa tai nạn đường sắt

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông đường sắt, nguyên nhân chủ yếu là người tham gia giao thông đường bộ thiếu quan sát khi băng qua điểm giao cắt giữa các đường dân sinh và đường sắt.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông đường sắt, nguyên nhân chủ yếu là người tham gia giao thông đường bộ thiếu quan sát khi băng qua điểm giao cắt giữa các đường dân sinh và đường sắt.

Trong khi đó, dù chưa được cơ quan chức năng xem xét, nhưng người dân vẫn tiếp tục tự ý làm đường ngang dân sinh băng qua đường sắt không theo một quy luật nào. Có những đoạn đường sắt chưa đầy 500m nhưng đã có tới 3 đường ngang dân sinh tự phát băng qua.

Đường sắt ngay giao lộ Trần Khắc Chân (quận Phú Nhuận, TPHCM) vẫn chưa có rào chắn

Theo thống kê của Tổng cục Đường sắt Việt Nam, hiện nay trên toàn mạng lưới đường sắt nước ta với tổng chiều dài hơn 3.100km có 5.793 điểm giao cắt với đường bộ, nhưng chỉ có 1.514 đường ngang hợp pháp, trong đó có 641 điểm giao cắt có người trực tiếp canh gác, 366 điểm giao cắt có cảnh báo tự động, 507 điểm giao cắt có biển báo; còn lại gần 4.300 đường ngang dân sinh chỉ có còi, tín hiệu mà không có người canh gác.

Dù rào chắn đã hạ xuống, chuẩn bị có tàu lửa đi ngang qua, nhưng người đi xe máy vẫn cố luồn lách băng qua

Hiện trên toàn mạng lưới đường sắt nước ta có 5.793 điểm giao cắt với đường bộ, nhưng chỉ có 1.514 đường ngang hợp pháp.

     

Việc những điểm giao cắt giữa đường sắt và đường ngang dân sinh tiềm ẩn hiểm họa tai nạn giao thông, làm tử vong nhiều nạn nhân, đã được cảnh báo từ lâu. Dù vậy, việc giải quyết lại chậm chạp.

Từ năm 2013 đến nay, ngành đường sắt chỉ mới xóa bỏ được 155 điểm giao cắt với lối đi dân sinh tự phát. Việc hiện đại hóa tín hiệu đường sắt cũng đã được đặt ra từ khá lâu, nhưng đến nay vẫn ì ạch.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, mong muốn của ngành là lắp đặt hết các rào chắn tự động tại đường ngang, song hiện có hàng ngàn điểm giao cắt với đường bộ, chi phí lắp đặt toàn bộ khá tốn kém, nên phải làm từng bước và ngành đường sắt sẽ rà soát, đánh giá lại hiện trạng các đường ngang dân sinh để có biện pháp cảnh báo tàu hiệu quả hơn. 

Dù có hàng rào cách ly nhưng vẫn có người dân vào ngồi chơi trên đường sắt, bất chấp hiểm họa

Nhiều người tự tiện mở đường băng qua đường sắt, bất chấp nguy hiểm tính mạng, vì muốn đi nhanh. Ngoài ra, nhiều người còn lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, tụ tập buôn bán, đổ rác thải bừa bãi, trẻ em vui chơi ngay trên đường sắt…

Dường như tai nạn liên quan tới ngành đường sắt càng ngày càng vượt qua “tầm kiểm soát” của cơ quan chủ quản. Ngoài những nguyên nhân từ phía ý thức giao thông kém của người dân, thì sự đầu tư chưa hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, trong đó có việc quy hoạch các đường ngang dân sinh, cũng góp phần vào thực trạng trên. 

Buôn bán, ngồi ăn uống sát đường ray

Thực tế ghi nhận sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đã làm cho ngành hàng không có bước tiến khả quan như hiện tại và chắc chắn không dừng lại ở tương lai. Bộ Công thương nên chăng xóa bỏ danh mục thứ 15 - Nhà nước độc quyền liên quan tới ngành đường sắt trong dự thảo nghị định “Cấm tư nhân kinh doanh, thương mại 20 lãnh vực” để ngành này có cơ hội phát triển như ngành hàng không.

TÚ NGUYÊN - Ảnh: THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục