Hào hiệp cứu người

Sau gần 4 năm, chúng tôi trở lại bến sông gần cầu Bình Lợi tìm ông Ba Chúc (Nguyễn Văn Chúc). Ông vẫn còn ở đó, nay đã vào tuổi 60, người đen bóng, tuy nét mặt có vẻ khắc khổ hơn nhưng nụ cười hết cỡ luôn thường trực trên môi. Mọi người vẫn cảm kích nhắc đến ông về tấm lòng nhân hậu, đã cứu nhiều mạng người.

Tấm lòng nhân ái

Mấy chục năm qua, ông Ba Chúc không bao giờ đội nón, vẫn ở trần, quần đùi, đi chân không… Khi phát hiện có người tự tử ở cầu Bình Lợi, ông thoăn thoắt lội nước, leo bờ để cứu người, không quản ngại khó khăn. Nếu không cứu kịp, ông vẫn lặn lội dưới sông trong đêm hôm tăm tối, mưa dầm, sương lạnh để tìm xác người chết đưa lên bờ. Người dân sinh sống và làm ăn trên khúc sông Sài Gòn, đoạn chảy qua cầu Bình Triệu, Bình Lợi và các vùng phụ cận, kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về ông Ba Chúc. Cứ có xác chết trôi sông là ông Ba Chúc lại ra tay lo liệu. Cả nhà ông ở trên ghe, cắm sào trên bến sông đoạn giữa cầu Bình Lợi 1 và Bình Lợi 2, có tầm quan sát rất rộng; do vậy, hễ có người định nhảy cầu tự tử là ông Ba Chúc phát hiện được ngay và phân công người nhà chạy nhanh lên cầu can ngăn thuyết phục, còn ông tất tả nổ máy chạy ghe ra cứu.

Ông Ba Chúc (bên phải) đang cùng em họ sửa động cơ cho chiếc ghe chuyên dùng cứu người trên sông

Đưa mắt nhìn về hướng cầu Bình Triệu 1, bà Nguyễn Thị Hinh (58 tuổi, vợ ông Ba Chúc) bồi hồi kể: “Tết này, tôi bị bệnh, sụt cả chục ký, nên không thể đi chúc tết gia đình. Ông Ba Chúc đi chúc tết xong, vừa về đến nhà thì phát hiện có người nhảy cầu tự tử. Cái tật của ông Ba Chúc mấy chục năm nay, mặc quần áo tề chỉnh đi chúc tết nhưng về đến đầu hẻm là cởi áo vắt vai, chưa về đến ghe thì đã cởi luôn cái quần dài. Nhờ vậy, nên khi phát hiện có người nhảy cầu là ổng chạy lẹ xuống ghe. Từ tết đến nay mới 1 tháng mà ở khúc sông này đã có tới 6 người tự tử, ông Ba Chúc cứu sống được 3 người, còn 3 người khác tự tử không ai hay nên chết trôi sông”.

Ông Ba Chúc cho biết: “Ngày xưa, tôi theo ba tôi làm nghề đánh bắt cá trên sông Sài Gòn. Đúng 40 năm trước, gia đình tôi đã chọn bến sông này làm nơi nương tựa. 5 người con gái của tôi đã lần lượt được sinh ra và lớn lên tại bến sông này. Nay 3 đứa con gái lớn đã có gia đình, 2 đứa nhỏ đang đi làm và đang ở nhà trọ gần đây. Vợ tôi lúc này bị bệnh tiểu đường nên không giúp được cho tôi trong việc đánh bắt cá. Vả lại, cá tôm bây giờ cũng cạn kiệt rồi”. 

Nghèo khó nhưng hào hiệp

Cuộc trò chuyện của ông Ba Chúc và chúng tôi bị đứt quãng giữa chừng. Trên bến sông, 4 chị phụ nữ đang lục tục đi trên miếng ván bắc ra chiếc ghe ở gần đó. Ông Ba Chúc nói: “Đợi tôi đưa mấy cô kia đi thả cá. Chắc khoảng 5 phút là xong việc!”. Thời gian gần đây, ông Ba Chúc có thêm nghề đưa người thả cá phóng sinh. Bà Ba Chúc cho biết thêm: “Mình ở đây giống như xe ôm ở trên bờ vậy đó. Nhiều người thả cá phóng sinh, nhưng sợ cá vừa phóng sinh lại bị tụi chích điện giết bắt nên nhờ ông nhà tôi đi ghe chở  ra giữa dòng để thả. Mỗi chuyến như vậy được vài chục ngàn đồng, cũng đắp đổi qua ngày”. Gần 10 phút sau, ghe của ông Ba Chúc quay về bến cũ. Đưa mấy người thả cá lên bến xong, ông Ba Chúc chạy vội về một chiếc ghe đậu gần đó gọi ông Mười - em họ của bà Ba Chúc. Hai người hì hụi rất lâu dưới ghe mới tháo được cái máy đưa lên bờ. Phải hơn 1 tiếng đồng hồ cạy cục đục đẽo, anh em ông Ba Chúc mới lấy được cái mâm truyền ra. Ông Ba Chúc cho biết: “Chiếc ghe này do một người hảo tâm tài trợ. Hơn 5 năm rồi, cái máy nó bị trục trặc hoài hà. Anh em ráng sửa để có phương tiện đi cứu người. Có lần, ra cứu được người thì máy hư, tôi phải cấp cứu luôn trên ghe. Khi nạn nhân hồi tỉnh, tôi lại phải nhảy xuống bơi để đẩy ghe vào bờ. Rất may là nạn nhân không bị cảm lạnh”.

Cứu người thì ông lo như vậy. Nhưng, bản thân mình thì ông lại quên. Cách đây vài ngày, ông than với vợ là hay bị choáng váng nhức đầu. Bà Ba ép ông đi khám bệnh. Qua chẩn  đoán, ông Ba Chúc bị tăng huyết áp, hội chứng vai cổ và rối loạn tuần hoàn não. Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” vẫn quanh quẩn trong chiếc ghe trên bến sông gần cầu Bình Lợi. Dù tuổi già, sức yếu nhưng ông bà Ba Chúc vẫn  nhận nuôi đứa cháu ngoại. Thằng nhỏ quanh năm sống trên sông nước nên học rất chậm, hơn 10 tuổi mà chỉ học đến lớp 2 và bây giờ đang xin học ở mái ấm tình thương. Lận đận như vậy, nên ông bà luôn ước mong trúng số. Không phải mong trúng số để an hưởng tuổi già hay lo cho các con, mà là để có tiền để mua cái máy mới cho chiếc ghe chuyên dùng để kịp ra cứu người trên sông.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục