Trang bị kiến thức pháp luật cho nông dân

Trang bị kiến thức pháp luật cho nông dân

Xã thuần nông Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) cách trung tâm TPHCM chừng 20km. Với đà đô thị hóa, đời sống kinh tế - xã hội địa phương đang có nhiều xáo trộn theo hướng phức tạp hơn. Dù vậy, xã Nhơn Đức đã có cách làm hay trong việc an dân, đó là quan tâm giúp người dân nắm vững kiến thức pháp luật, nhất là kiến thức pháp luật về khiếu nại - tố cáo (KN-TC).

Trang bị kiến thức pháp luật cho nông dân ảnh 1 

Lãnh đạo chính quyền và MTTQ xã Nhơn Đức thường xuyên trao đổi công tác để giải quyết tận gốc những mâu thuẫn dẫn đến KN-TC ngay từ lúc mới phát sinh

Gần dân và hiểu dân

TPHCM vừa tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 1-1133 về việc tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KN-TC ở xã, phường, thị trấn. Trong những năm qua, tại xã Nhơn Đức, công tác này đã được quan tâm triển khai thực hiện rất bài bản, chu đáo, quy mô và có hiệu quả. Nhận thức rằng khi chuyển mình đô thị hóa sẽ khó tránh khỏi phát sinh những xung đột, nên việc nâng cao kiến thức pháp luật về KN-TC cho cán bộ xã và người dân là yêu cầu rất quan trọng để bình ổn xã hội và phát triển kinh tế. Khi bắt tay vào việc mới thấy, để đưa kiến thức pháp luật đến người dân đô thị đã khó, đến với nông dân một xã nông nghiệp ngoại thành lại càng khó hơn. Rồi xã Nhơn Đức cũng đã tìm được biện pháp phù hợp: tập trung nâng kiến thức pháp luật cho cán bộ xã, để rồi từ đó tuyên truyền phổ biến đến người dân để cùng  tiến bộ.

Hàng năm xã đều cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về tiếp công dân, giải quyết KN-TC do huyện và thành phố tổ chức. Sau khi tiếp nhận kiến thức, các cán bộ này tổ chức các  buổi sinh hoạt nghiệp vụ, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Nhờ cách làm này, không chỉ cán bộ lãnh đạo và cán bộ tư pháp xã, mà tất cả các cán bộ, nhân viên từ xã đến các ấp, tổ nhân dân đều được trang bị và thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, trở thành những cán bộ hòa giải, tuyên truyền viên pháp luật đắc lực.

Với phương châm gần dân và hiểu dân, gắn bó với từng hộ dân, xã đã lập 4 tổ tuyên truyền pháp luật tại 4 ấp, với thành viên gồm cán bộ chủ chốt xã, thành viên UB MTTQ, đại diện các đoàn thể, và trưởng - phó ban nhân dân ấp; tổ trưởng - tổ phó tổ nhân dân. Ông Đỗ Văn Hiệp, Chủ tịch UB MTTQ xã Nhơn Đức, kể: “Để nhiều người dân có thể tham gia nên các buổi sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật thường được tổ chức vào buổi tối và những ngày cuối tuần. Mưa dầm thấm sâu, các kiến thức pháp luật được phổ biến, phổ cập đến người dân hiệu quả và ngày càng nâng cao”.

Giải quyết dứt điểm KN-TC

Ông Nguyễn Thanh Thoản, Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, cho biết: “Nhờ kiến thức pháp luật của cán bộ xã và nhân dân được nâng lên, nhất là kiến thức pháp luật về KN-TC, nên hơn 3 năm nay không có các vụ KN-TC tồn đọng, gửi đơn vượt cấp. Các vụ tranh chấp, khiếu nại đều được giải quyết ngay và dứt điểm ở địa phương”.

Trao đổi về việc phổ biến, giáo dục pháp luật về KN-TC ở xã, các cán bộ xã Nhơn Đức đều có chung nhận định: Nguyên nhân KN-TC ở vùng nông thôn thường xuất phát từ việc tranh chấp lối đi, bờ rào, hay những quan hệ hôn nhân - gia đình. Người dân KN-TC khi những mâu thuẫn này không thể dàn xếp thỏa đáng. Do vậy, cán bộ phải hết lòng, gắng sức, chân thành để cùng người dân giải quyết thấu lý đạt tình. Khi người dân đã được trang bị kiến thức pháp luật về KN-TC, kiến thức pháp luật của cán bộ vững vàng thì vụ việc dễ tìm được tiếng nói chung. Công tác hòa giải ở cơ sở và công tác tiếp công dân được làm tốt thì những mâu thuẫn dẫn đến KN-TC được giải quyết tận gốc, ngay từ lúc mới phát sinh.

Ở nhiều địa phương, ban đầu có tâm lý lo lắng rằng khi người dân nắm vững kiến thức pháp luật về KN-TC, số vụ KN-TC sẽ tăng lên, tình hình an ninh, trật tự xã hội thêm phức tạp. Thực tế, sau 3 năm thực hiện Đề án 1-1133 tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KN-TC ở xã, phường, thị trấn, thực tế tại xã Nhơn Đức đã có câu trả lời: Khi kiến thức pháp luật về KN-TC của cán bộ và người dân nâng lên, các vụ KN-TC giảm xuống. Trang bị kiến thức pháp luật về KN-TC không chỉ nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình mà còn giúp bình ổn xã hội để phát triển kinh tế. Bài học từ xã Nhơn Đức cho thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KN-TC ở cơ sở sẽ không khó nếu lãnh đạo, chính quyền địa phương quyết tâm và có phương án, cách làm  phù hợp với địa phương mình.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục