Người TPHCM tử tế

Ở TPHCM nhiều khi có những cơn mưa lớn đến độ ngập đường. Cống tại các con đường không thoát nước kịp, cũng có khi triều cường tràn lên từ đây. Nhiều chỗ, nước từ các hẻm đổ ra tạo thành vùng xoáy, khiến người đi xe máy chao đảo. Những lúc như vậy tôi chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp về tình người.

Ở TPHCM nhiều khi có những cơn mưa lớn đến độ ngập đường. Cống tại các con đường không thoát nước kịp, cũng có khi triều cường tràn lên từ đây. Nhiều chỗ, nước từ các hẻm đổ ra tạo thành vùng xoáy, khiến người đi xe máy chao đảo. Những lúc như vậy tôi chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp về tình người.

Các bảo vệ dân phố đã cùng với người dân tại chỗ dầm mưa hướng dẫn người đi đường vào chỗ tránh, phân luồng và cảnh báo khu vực nguy hiểm, giúp đỡ một số người không may bị ngã xe. Cũng thường thấy nhiều người dân sống ven đường đã mặc áo mưa ra đường hào hiệp giúp người đi đường đẩy xe qua chỗ ngập, giúp người bị ngã. Những nghĩa cử đó làm người đi đường cảm thấy ấm lòng giữa đường ngập nước và lạnh vì mưa gió.

Ngày nắng gắt, Sài Gòn như đổ lửa. Ở góc phố hay ngã tư nào đó, dù có tán dù hay có bóng cây xanh hay không, vẫn hay thấy có một thùng trà đá đặt ngay ngắn trên một chiếc ghế, ghi rõ: “Trà đá miễn phí”. Chị mua ve chai, anh bán vé số, chú đạp xích lô, hay một người đi ngang bất chợt, đều có thể dừng lại để uống vài ly nước mát rượi. Thùng trà đá được đậy nắp cẩn thận, vài chiếc ly được cột dây tử tế để dù ai đó vô ý cũng không làm rơi xuống đất. Nhiều người không biết thùng nước đó là của ai nhưng khi nước sắp cạn lại được ai đó châm đầy.

Những ngày bình thường, khi chạy xe gắn máy mà chưa gạt hết chống xe, thế nào cũng có người nhắc; bạn chở hàng hóa bị nghiêng ngả sắp đổ, cũng có người báo ngay. Bạn mất đồ đạc, có khi là giấy tờ rất quan trọng, đang lo lắng thì có người gọi điện đến nhận. Có lần chính tôi còn được ai đó giúp gửi chuyển phát nhanh đến cơ quan hoặc mang đến tận nhà để giao.

Có lần trên đường Phạm Văn Đồng, tôi thấy một chị chở một chiếc giỏ đựng sầu riêng rất nặng, bị một người đi đường chạy ào qua, chị lảo đảo tay lái, thế là chiếc xe đổ kềnh ra. Cùng lúc, 4 - 5 người đàn ông không ai bảo ai, đều dừng lại để cùng đỡ chiếc xe lên. Chiếc giỏ nặng, gai sầu riêng rất nhọn, có người bị bật máu tay, nhưng không ai nề hà gì. Cuối cùng, khi nhìn chiếc xe hàng lại tiếp tục lên đường một cách bình thường thì họ mới lên xe đi tiếp. Bữa khác, trên đường Đinh Bộ Lĩnh, đang đi đường tôi bỗng thấy có mấy người đứng chỉ tay cho xe đi qua làn khác, thì ra có một người chở giỏ cam bị ngã đổ, cam lăn đầy ra đường; sợ cam bị cán giập, nên một số người vừa lo nhặt, số người khác nhắc xe đang lưu thông tránh né một chút.

Có người đã nói “Người TPHCM ưa làm việc thiện”. Khái quát đó rất đúng, mà “tử tế” chỉ là một biểu hiện nhỏ mà thôi. Đại Nam nhất thống chí, phần viết về người tỉnh Gia Định có nêu: “Tục chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài…”. Bởi vậy, đất phồn hoa, đắt đỏ này bỗng dưng có nhiều quán cơm 2.000 đồng, có nhiều người phát cơm, cháo miễn phí ở các bệnh viện; người khó khăn chỉ cần được kêu gọi của chính quyền, của báo chí, thậm chí chỉ là tiếng nói trên mạng xã hội, lập tức có rất nhiều người giúp đỡ. Hay mỗi đợt đồng bào các nơi bị thiên tai, người dân TPHCM tất tả quyên góp, mang quà cứu trợ đến tận nơi để kịp làm ấm lòng người hoạn nạn… Phải chăng cái tập tính, tâm tính tử tế, hay làm việc thiện bắt nguồn từ cái gốc văn hóa sâu xa là “trọng nghĩa”?

Người dân TPHCM tử tế, người Nam bộ tử tế. Nét đẹp đó dù hiện nay đang chịu nhiều thử thách nhưng vẫn kiên gan cùng với năm tháng.

TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục