Làm dâu trăm họ

Để chính quyền sâu sát tình hình địa bàn dân cư và tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đến người dân, vai trò của tổ trưởng dân phố (TTDP) rất quan trọng. Phải có uy tín, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng và chấp nhận bận rộn, đa đoan, mới có thể làm tròn nhiệm vụ TTDP.
Làm dâu trăm họ

Để chính quyền sâu sát tình hình địa bàn dân cư và tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đến người dân, vai trò của tổ trưởng dân phố (TTDP) rất quan trọng. Phải có uy tín, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng và chấp nhận bận rộn, đa đoan, mới có thể làm tròn nhiệm vụ TTDP.

Hết mình và hết lòng vì cộng đồng

Tìm hiểu tình hình an ninh trật tự ở khu vực Bến xe miền Đông, chúng tôi đến tìm ông Trịnh Phi Long, TTDP 55 (khu phố 5, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM) để hỏi thăm. Vừa trở về sau khi đi đến từng nhà nhắc người dân nhớ treo cờ trong dịp Quốc khánh sắp tới, ông Long vui vẻ kể: “Có một thời gian khu vực này rất phức tạp, các dãy nhà trọ chứa gái mại dâm, nhiều người tụ tập bảo kê, ăn nhậu, đánh nhau, gây lộn ì xèo. Sau khi công an rà soát, bắt một số băng nhóm, tình hình đã chuyển biến, ổn định. Tôi đã có hơn 20 năm làm TTDP, công việc cũng khó khăn, bận rộn, nhưng bù lại, tôi có dịp thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con trong tổ, được mọi người tin tưởng, qua đó, có thể nắm bắt kịp thời, sâu sát tình hình, kiến nghị giải pháp chấn chỉnh hiệu quả, đóng góp thiết thực cho việc xây dựng chính quyền và chăm lo những vấn đề dân sinh ở địa bàn”.

Với chiếc loa cầm tay và bộ tài liệu, ông Nguyễn Đức Thắng, Tổ trưởng dân phố 46 (khu phố 3, phường 19, quận Bình Thạnh) đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân

Ông bà xưa có câu “Làm dâu trăm họ” để nói về tình cảnh gian nan, vất vả của những người làm các ngành nghề phục vụ, liên quan đến nhiều người. Làm TTDP quả là “làm dâu trăm họ”. Vậy mà nhiều người đã hết lòng và hết mình gắn bó với công việc. Ông Nguyễn Đức Thắng, TTDP 46 (khu phố 3, phường 19, quận Bình Thạnh), cho biết: “Tính đến nay, tôi đã có 26 năm làm TTDP. Tháng 10-1990, sau khi về hưu, tôi được chi bộ khu phố và bà con trong tổ tin tưởng đề cử giữ chức vụ này. Khi ấy khu dân cư này còn nghèo lắm. Ven kênh Thị Nghè còn nhiều nhà tạm bợ cất trái phép, chờ giải tỏa; con đường Mê Linh và cầu Thị Nghè 2 chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Đi vận động người dân đóng các loại phí, hay mời đi họp đều khó trần ai. Đêm đêm, nhiều thanh niên tổ chức nhậu nhẹt, tôi đến nhắc nhở thì họ chửi. Bây giờ, quá trình đô thị hóa thành công, nhiều cư dân là cán bộ hưu trí, doanh nghiệp về đây lập nghiệp, sinh sống. Tình hình an ninh trật tự đỡ hơn trước bội phần. Việc vận động đóng lệ phí cho phường hay kinh phí cho hoạt động xã hội cũng dễ dàng hơn, do mọi người đã tự giác rất cao. Rất mừng là nhiều người tin tưởng đã đến tận nhà tôi đóng góp tiền để tổ chức các hoạt động tình nghĩa, hiếu học. Trong khu dân cư có doanh nghiệp sản xuất, xe tải dừng đậu liên tục, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự. Bà con kêu, tôi đến gặp lãnh đạo doanh nghiệp phản ánh và họ chấn chỉnh ngay. Uy tín và tâm huyết của mình lo được cho bà con trong tổ dân phố như vậy là vui rồi!”. 

Chăm lo những vấn đề dân sinh

Gặp các TTDP tìm hiểu về công việc của họ, chúng tôi ghi nhận đó thực sự là những công việc bận rộn của người “vác tù và hàng tổng”. Ông Lê Anh Tuấn, TTDP 11 (khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) có nỗi niềm riêng. Ông cho biết: “Tổ dân phố này nằm trong chung cư Thái An 3. Đây là chung cư cao cấp có rất đông hộ dân. Cư dân thường thắc mắc về việc thu chi tài chính của Ban quản lý, Ban quản trị… Ở chung cư, TTDP chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nắm tình hình an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy để phản ánh với chính quyền địa phương, chứ không có chức năng như Ban quản lý, Ban quản trị. Nhưng phản ánh của cư dân là có cơ sở, có số liệu chứng minh hẳn hoi. Do đó, tôi đã mạnh dạn làm đơn kiến nghị gửi UBND phường Đông Hưng Thuận, vì ý thức rằng mình làm TTDP mà không làm tròn được việc chăm lo những vấn đề dân sinh và không dám bảo vệ quyền lợi chính đáng của cư dân thì nên xin từ nhiệm”.

Cô Yến, TTDP 32A (khu phố 2, phường 13, quận Bình Thạnh) vui vẻ kể: “Được cư dân tín nhiệm bầu làm TTDP 32A trong chung cư 482/1 Nơ Trang Long, tôi ý thức rằng mình là cầu nối giữa cư dân và chính quyền địa phương. Nhưng không ít cư dân lại nhầm lẫn rằng TTDP là người phải có trách nhiệm thực hiện mọi việc ở chung cư này, nên việc gì cũng gọi TTDP, từ chuyện ngập nước, thấm tường, cho đến việc xả rác bừa bãi, mất vệ sinh… trong khi đó là nhiệm vụ của Ban quản lý chung cư. Thực tế cho thấy mô hình tổ dân phố và nhiệm vụ của TTDP ở khu chung cư rất khó hoạt động. Người TTDP ở khu chung cư muốn tận tụy việc chăm lo những vấn đề dân sinh cũng không đơn giản”.

TTDP không phải là một chức danh cán bộ công chức, đa số TTDP đảm đương nhiệm vụ vì được người dân tin tưởng và cũng mong muốn góp sức lo toan việc tổ chức cuộc sống ở địa bàn dân cư. Phụ cấp, quyền lợi của TTDP không bao nhiêu, nhưng công việc khá nhiều, bất kể ngày đêm…Tuy tất bật, gian nan với công việc của mình, nhưng hầu hết các TTDP mà chúng tôi tiếp xúc đều không nề hà với công việc, chỉ mong mỏi sao cho bà con trong tổ dân phố đoàn kết, thương yêu nhau, cùng góp sức giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục