Đã uống rượu bia, không lái xe

Cảnh sát giao thông (CSGT) TPHCM đang triển khai đợt cao điểm kiểm tra xử phạt người lái xe có nồng độ cồn để răn đe, ngăn chặn tình trạng nhiều người đã uống say rượu bia vẫn điều khiển xe, gây mất an toàn giao thông.
Đã uống rượu bia, không lái xe

Cảnh sát giao thông (CSGT) TPHCM đang triển khai đợt cao điểm kiểm tra xử phạt người lái xe có nồng độ cồn để răn đe, ngăn chặn tình trạng nhiều người đã uống say rượu bia vẫn điều khiển xe, gây mất an toàn giao thông.

CSGT kiểm tra đo nồng độ cồn với người lái xe

Kiểm tra và phạt nghiêm

Cuộc nhậu chỉ mới bắt đầu nhưng anh Đ.M.L. đã có vẻ ngại ngần khi cầm ly bia, không dám uống, mặc cho các bạn nhậu ép, khích bác rằng anh hèn nhát khi không dám uống vì sợ bị CSGT phạt. Anh quyết không uống vì mới vài ngày trước, khi anh lái xe về sau một chầu nhậu, đã bị CSGT yêu cầu dừng xe đo nồng độ cồn và anh bị phạt 3,5 triệu đồng. Anh kể: “Hôm đó, tôi lái xe sau khi đã uống 8 chai bia, sắc diện vẫn bình thường, vì tửu lượng phải hơn 15 chai. CSGT đo nồng độ cồn với mức 0,6ml/lít khí thở. Nghe đâu uống 2 - 3 chai bia thì nồng độ cồn cũng đã vượt quá 0,3ml/lít khí thở, cũng bị phạt tiền triệu rồi. Với tôi thì uống 8 chai bia chưa “xi nhê” gì, vẫn còn rất tỉnh táo để lái xe, nhưng luật quy định thì đành phải nộp phạt. Dù sao việc kiểm tra nồng độ cồn và phạt cũng buộc mình biết gắng kiềm chế, bớt sa đà trong các cuộc vui, vì thấy nhậu vừa tốn tiền, hại sức khỏe, mà còn phải thêm tiền đi taxi về”.

Việc kiểm tra nồng độ cồn, phạt người lái xe sau khi uống rượu bia đã áp dụng từ lâu, nhưng nay áp dụng mức phạt cao hơn đã mang lại hiệu quả bước đầu. Nhiều người lái xe không dám uống rượu bia, hoặc cứ uống nhưng rồi không dám liều lái xe về. Buổi tối, nhiều quán nhậu có tình trạng bị giảm rõ số thực khách. Anh Nguyễn Hoài Long đang làm quản lý một nhà hàng trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) cho hay: “Số thực khách uống rượu bia có giảm, dù vậy, tôi cũng đồng tình với việc đã uống rượu bia thì đừng lái xe. Thực tế nhà hàng chúng tôi kinh doanh có lời nhờ món ăn, chứ không phải nhờ bia. Tôi chẳng mong khách uống nhiều bia, vì khách nhậu say hay quậy, làm khó nhân viên phục vụ, thậm chí nôn ói tùm lum và xảy ra xô xát. Nếu uống say, nên đi taxi về để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và người khác. Nhờ CSGT kiểm tra phạt nặng người uống rượu bia lái xe nên thời gian gần đây thực khách không dám nhậu say”.

Đã từng bị “ma men” tông gãy chân, chị Võ Thị Huệ (ngụ tại quận 8) rất đồng tình với việc kiểm tra đo nồng độ cồn và phạt nặng người uống rượu bia rồi lái xe. Chị kể: “Tôi bị người say rượu tông phải, mà họ không bị sao còn mình phải mang thương tật, tốn tiền và luôn bị ám ảnh khi ra đường. Ra đường buổi tối, thấy ông nào chạy xe loạng choạng là tôi phải vội vàng né. Không chỉ gây tai nạn giao thông, người quá chén cũng trở nên nguy hiểm vì chỉ cần va quẹt nhẹ hay xích mích rất nhỏ họ cũng không kiềm chế được bản thân, có thể gây ra tội ác”.

Bài học nhớ đời

Chúng tôi có mặt tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội, quan sát Đội CSGT Rạch Chiếc đang kiểm tra đo nồng độ cồn người lái ô tô. Khi thấy người cầm lái ô tô hạ kính xe mua vé qua trạm có biểu hiện say rượu, CSGT dùng máy đo kiểm tra nhanh nồng độ cồn trong máu. Các CSGT ở đây cho biết, những ngày đầu triển khai đợt kiểm tra xử phạt, rất nhiều tài xế xe tải, xe đầu kéo bị phát hiện có nồng độ cồn. Sau đó các tài xế báo tin cho nhau biết, không còn dám uống rượu bia trước khi lái xe, do vậy số người vi phạm đã giảm hẳn.

Anh L.H.A. (ngụ tại quận 3) đang điều khiển ô tô thì bị CSGT yêu cầu tấp xe vào lề để đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, khi đo, anh không chịu thổi mà chỉ ngậm. CSGT cảnh báo nếu không chịu thổi cũng bị lập biên bản, mà mức phạt còn nặng hơn là trường hợp có nồng độ thấp. Cuối cùng anh này cũng phải chịu thổi, kết quả nồng độ cồn mức 0,9ml/lít khí thở, nên bị phạt mức cao nhất, giam xe. Các CSGT cho hay, tùy theo thể trạng của mỗi người, nhưng với nồng độ này có khả năng đã uống hơn 10 chai bia. Chúng tôi thử hỏi anh này đã uống bao nhiêu chai bia rồi, anh vẫn cố chối rằng không uống, nhưng... không hiểu sao lại có nồng độ cồn. 

Một tài xế xe đầu kéo trên đường vào cảng Cát Lái chở hàng cũng bị CSGT thổi lại kiểm tra nồng độ cồn, đã vội vàng phân bua, thừa nhận lúc trưa có uống 5 - 6 chai bia, do ở nhà cúng rằm tháng bảy. Anh này năn nỉ xin giảm mức phạt, nhưng CSGT thông báo anh có nồng độ cồn vượt quá cao nên phải giam xe, tước giấy phép lái xe. Anh rầu rĩ gọi điện thoại về báo tin cho chủ xe, rồi buột miệng than: “Chỉ vì uống vài chai bia mà mang họa, chắc phải theo xe làm bốc vác!”.

Chúng tôi chứng kiến có những trường hợp CSGT gặp khó khăn khi kiểm tra đo nồng độ cồn. Một số người đi xe máy đã chửi bới hoặc ra mặt chống đối, cũng có một số người năn nỉ không được thì ăn vạ để đòi được ghi lỗi nhẹ hơn. Giá mà ai cũng biết ý thức không lái xe sau khi đã uống rượu bia, kiềm chế bản thân thì không chỉ tránh được bị phạt vì nồng độ cồn cao, mà còn bảo đảm an toàn giao thông cho mình và mọi người.

 Theo Nghị định 46/2016, người đi xe máy có nồng độ cồn vượt quá 0,25 đến 0,4 ml/lít khí thở bị tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 tháng, phạt 1,5 triệu đồng; có nồng độ từ 0,4 ml/lít khí thở trở lên bị tước GPLX 4 tháng, phạt từ 3,5 triệu đồng. Người lái ô tô có nồng độ cồn chưa vượt 0,25 ml/lít khí thở bị tước GPLX 2 tháng, phạt 2,5 triệu đồng; vượt quá 0,25 - 0,4 ml/lít khí thở bị tước GPLX 4 tháng, phạt từ 7,5 triệu đồng; vượt quá 0,4 ml/l khí thở bị tước GPLX 5 tháng, phạt 17 triệu đồng. Toàn bộ các trường hợp đều giữ phương tiện trong vòng 7 ngày.


Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục