Quy định pháp luật về trang bị và sử dụng súng

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm vấn đề hiểm họa khi sử dụng súng sai mục đích. Pháp luật nước ta đã quy định rất chặt chẽ về chủ thể được trang bị súng và các trường hợp được nổ súng.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm vấn đề hiểm họa khi sử dụng súng sai mục đích. Pháp luật nước ta đã quy định rất chặt chẽ về chủ thể được trang bị súng và các trường hợp được nổ súng.

Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) có quy định cụ thể về việc quản lý sử dụng súng. Theo đó, hầu hết các loại súng (trừ súng săn, các loại súng thể thao) được phân loại vào nhóm vũ khí quân dụng. Điều 13 của pháp lệnh này quy định rõ 6 nhóm đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: công an, dân quân tự vệ, kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan, đơn vị hải quan cửa khẩu, an ninh hàng không, kiểm ngư. Việc trang bị súng nhằm mục đích chủ yếu là để bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh trật tự. Do vậy, người sử dụng súng phải có phẩm chất đạo đức tốt, sức khỏe phù hợp, được huấn luyện chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí.

Những người được trang bị súng cũng không được sử dụng tùy tiện. Điều 22 pháp lệnh này đã quy định rất cụ thể những trường hợp được nổ súng. Trong trường hợp tổ chức thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, các thành viên phải tuân thủ mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Nếu thực hiện nhiệm vụ độc lập, phải đảm bảo các nguyên tắc: Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất và mức độ nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; chỉ được nổ súng khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo và không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng. Việc cảnh báo có thể thực hiện qua mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Những trường hợp được nổ súng còn được quy định chi tiết tại Khoản 3 Điều 22. Cụ thể là được nổ súng khi đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng con người; vì sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật; khi hành vi gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó (trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế) nếu đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người; hoặc biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin.

Các quy định nêu trên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lạm dụng súng cho những mục đích xấu, gây thiệt hại cho con người và xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế việc những người được trang bị, giữ, sử dụng súng sai với mục đích được Nhà nước và nhân dân giao phó đôi khi vẫn diễn ra và gây hoang mang rất lớn cho xã hội. Do đó, mỗi công dân có trách nhiệm kịp thời tố giác những hành vi vi phạm nêu trên, nhằm đảm bảo an toàn và tránh những hậu quả đáng tiếc.

Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục