Sông Sài Gòn đang bị xâm hại

Sông Sài Gòn không chỉ là thủy lộ quan trọng cùng hệ thống cảng góp phần tạo sự phồn vinh cho TPHCM, mà còn là yếu tố tạo nên nét đặc trưng của một đô thị trên bến dưới thuyền. Vậy mà với quá trình đô thị hóa, đôi bờ sông đã bị san lấp, lấn chiếm vô tội vạ. Dòng sông đang biến dạng từng ngày.
Sông Sài Gòn đang bị xâm hại

Sông Sài Gòn không chỉ là thủy lộ quan trọng cùng hệ thống cảng góp phần tạo sự phồn vinh cho TPHCM, mà còn là yếu tố tạo nên nét đặc trưng của một đô thị trên bến dưới thuyền. Vậy mà với quá trình đô thị hóa, đôi bờ sông đã bị san lấp, lấn chiếm vô tội vạ. Dòng sông đang biến dạng từng ngày.

Căn biệt thự lấn ra sông có thể bị chìm xuống nước bất cứ lúc nào

San lấp, lấn dòng

Từ cầu Bình Phước (địa phận quận 12 và Thủ Đức), chúng tôi xuôi ghe về hạ nguồn. Cách cầu Bình Phước không xa, tại khu phố 5 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), một căn biệt thự lớn đang nửa chìm nửa nổi bên mép sông. Toàn bộ khuôn viên, tường rào của biệt thự đã chìm xuống nước. Không chỉ ngôi biệt thự này, tại đây, các công trình dọc theo bờ sông có thể chìm xuống nước bất cứ lúc nào. Người lái ghe vẫn thường xuyên qua lại đoạn sông này cho biết, chủ nhân căn biệt thự xây dựng kè bê tông kiên cố chồm ra mặt sông, nhưng rồi chừng 1 năm nay, toàn bộ kè, tường rào cùng khuôn viên biệt thự đổ ập xuống sông. Xuôi theo bờ sông qua địa bàn phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) còn có thêm 23 công trình lớn nhỏ lấn ra hành lang sông, khiến bờ sông nham nhở, lộn xộn.

Tại bờ sông phía các quận 12 và Bình Thạnh cũng có các công trình xây dựng lấn ra mặt sông. Tại khu dự án biệt thự An Phú Đông (phường An Phú Đông, quận 12), có nhiều công trình nhà ở, nhà thủy tạ xây dựng kiên cố trên mặt sông. Trong khoảng từ cầu Bình Phước đến Bình Triệu, bờ sông thuộc địa phận quận 12 và Bình Thạnh có hơn chục công trình, hàng quán xây dựng trên hành lang sông. Ở khúc sông chảy qua trung tâm TP, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng san lấp, lấn chiếm bờ sông Sài Gòn càng nhiều và quy mô lớn hơn. Bên bờ hữu, hệ thống cảng đang được chuyển đổi công năng sang làm nhà ở, còn bên bờ tả từ phường Thảo Điền, Bình An đến Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) đã bị băm nát bởi những công trình vươn ra mặt sông. Trong số các công trình lấn ra sông quy mô lớn, phải kể đến khu biệt thự Eden do Công ty Dịch vụ - Thương mại Eden đầu tư xây dựng bờ kè dọc theo sông kéo dài trên 130m. Khu nhà của Công ty TNHH Xây dựng Văn Minh cũng xây dựng lấn hẳn ra sông. Xuôi về khu vực phường Bình An (quận 2), các công trình lấn sông không nhiều nhưng có quy mô lớn. Quy mô, kiên cố hơn cả là công trình kè sông của Công ty cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng (ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) kéo dài gần 1km, lấn hẳn ra mặt sông. 

Quy hoạch hành lang đã phá sản

Từ năm 2004, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 150 quy định về quản lý, sử dụng hành lang hệ thống sông rạch trên địa bàn TPHCM, nhằm phòng chống lấn chiếm và tạo quỹ đất xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông. Theo đó, sông Sài Gòn thuộc loại cấp 1, chiều rộng hành lang sông mỗi bên 50m. Hành lang sông chỉ được sử dụng vào mục đích xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng, công viên, cây xanh nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Thế nhưng, thực tế cho thấy trước sức ép đô thị hóa, với sức hấp dẫn của mặt tiền bờ sông, quyết định nói trên không đủ sức ngăn chặn nạn san lấp, lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn.

Ông Võ Minh Lâm, Bí thư Đảng ủy phường An Phú Đông, thừa nhận hành lang sông Sài Gòn bị chiếm dụng, khiến cảnh quan hai bờ sông nhếch nhác. Thực trạng này do người dân lấn chiếm trái phép và một phần do sự bất cập trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Trên bờ sông thuộc địa bàn phường An Phú Đông có 3 dự án lớn, lại có 3 quy định khác nhau. Công trình bờ hữu sông Sài Gòn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM làm chủ đầu tư, được phê duyệt xây dựng cách  bờ 50m, giữ nguyên trạng toàn bộ hành lang sông. Trong khi đó, dự án nhà ở do ông Đồng Đăng Huy Quang đang tiến hành xây dựng lại được cho phép đóng cừ, đổ đất ra bờ sông, xây dựng công trình hạ tầng trên hành lang sông. Trước đó, dự án khu biệt thự được cho phép xây dựng công trình nhà ở và công trình phụ trợ trên mặt nước. Sự thiếu thống nhất này không chỉ phá vỡ hành lang sông mà còn làm mất mỹ quan đô thị. 

Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh, Chủ tịch UBND phường Thảo Điền (quận 2), cho hay quy hoạch hành lang 50m bờ sông Sài Gòn ở khu vực phường Thảo Điền đã bị phá sản. Theo quy hoạch, toàn bộ hành lang sông Sài Gòn từ chân cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc dành cho cây xanh và xây dựng các công trình công cộng, công ích. Thế nhưng, thực tế phần lớn diện tích đất chạy dọc theo bờ sông đã được giao cho các chủ đầu tư làm dự án nhà ở, bố trí liền kề hành lang sông 50m là đất dự án, rồi mới đến đường giao thông. Các chủ dự án xây dựng tường bao quanh dự án đã rào luôn lối ra hành lang sông, biến toàn bộ diện tích hành lang sông thành nhà ở, công trình phụ trợ nhằm sử dụng cho riêng mình. Cán bộ chính quyền muốn vào hành lang sông chỉ còn cách đi ghe hoặc xin phép người dân mở cửa để vào.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục