Phạt hành vi chạy xe máy trên vỉa hè

Từ ngày 1-8-2016, Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành, một số vi phạm sẽ bị phạt nặng nhằm tăng tính răn đe. Theo đó, sẽ áp dụng mức xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng đối với hành vi chạy xe máy trên vỉa hè.
Phạt hành vi chạy xe máy trên vỉa hè

Từ ngày 1-8-2016, Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành, một số vi phạm sẽ bị phạt nặng nhằm tăng tính răn đe. Theo đó, sẽ áp dụng mức xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng đối với hành vi chạy xe máy trên vỉa hè.

Chẳng ai muốn chạy xe máy trên vỉa hè

Dư luận cho rằng khác với hành vi vượt đèn đỏ là vi phạm cố ý, hành vi chạy xe máy trên vỉa hè là vi phạm bất đắc dĩ. Với thực trạng tại TPHCM, lượng xe tham gia lưu thông và đậu trên đường tăng nhanh, nên lòng đường bị quá tải, ùn tắc giao thông ngày càng tràn lan và trầm trọng. Nhiều khi người điều khiển xe máy bị nghẽn trong dòng xe cộ nên phải chạy trên vỉa hè để tìm lối thoát. Thực tế việc chạy xe trên vỉa hè rất khó khăn, không thể chạy nhanh, do có nhiều người đậu xe, buôn bán chiếm dụng vỉa hè, nên người đi xe máy chỉ chạy xe trên vỉa hè trong tình huống chặng đặng đừng, khi đường bị ùn tắc.

Tuy vậy, cũng không thể bao biện cho việc chạy xe máy trên vỉa hè, bởi gây mất an toàn cho người đi bộ và nhanh chóng làm hư hại vỉa hè. Lớp gạch trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1 và quận 3) luôn trong tình trạng bong tróc, bởi mỗi ngày phải chịu hàng ngàn lượt xe cày lên. Hàng ngày, từ 16 giờ, tuyến đường này đã ùn ứ, xe máy, xe hơi chen lấn nhau nhích từng chút một. Nhiều xe máy tràn lên vỉa hè. Chỉ đứng khoảng 10 phút bên hông Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM quan sát, chúng tôi chứng kiến có hàng trăm người phóng xe máy lên vỉa hè.

Dù vỉa hè đường Nguyễn Tri Phương (quận 5) khá cao nhưng nhiều người chạy xe máy lên để tránh kẹt xe

Anh Đỗ Dương Hưng (ngụ ở đây) cho biết: “Đường Nguyễn Thị Minh Khai từ vòng xoay ngã sáu Cộng Hòa về tới cầu Thị Nghè ngày nào cũng kẹt. Đây là đường huyết mạch nên lượng ô tô và xe máy lưu thông rất đông. Ô tô chiếm hết tất cả các làn đường, lại thêm xe buýt ra vào đón trả khách, khiến xe máy phải len lỏi khó khăn vào khoảng trống giữa các ô tô và phải tràn lên vỉa hè. Tôi nghĩ trước khi áp dụng mức phạt nặng đối với hành vi chạy xe máy trên vỉa hè, cần có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng giao thông hỗn loạn, ùn tắc hiện nay”.

Vào giờ tan tầm, đường Điện Biên Phủ chỗ nút thắt cổ chai gần công viên Lê Văn Tám ùn ứ trầm trọng, vì vậy nhiều người đi xe máy phải chạy lên vỉa hè để thoát khỏi chỗ kẹt xe. Chị Nguyễn Thúy Hiền (ngụ quận Bình Thạnh) phân trần: “Tôi rất ngại chạy xe lên vỉa hè, nhưng cứ bị kẹt xe khi qua đoạn đường này, biết làm thế nào nếu không muốn bị kẹt cứng, trễ giờ đón con. Cũng lo sắp tới đây sẽ bị phạt nặng khi chạy xe máy trên vỉa hè, nên mấy ngày nay tôi đã thử đi đường khác, tuy thưa xe hơn nhưng mất nhiều thời gian, để con đợi ngoài đường thì không ổn, nên tôi đang phân vân lắm!”.

Cần điều chỉnh trật tự giao thông trước khi phạt

Thực tế cho thấy nếu như khi xảy ra kẹt xe mà cảnh sát giao thông lo chặn phạt người chạy xe máy trên vỉa hè thì chỉ làm nạn kẹt xe trầm trọng thêm, ùn ứ kéo dài không gỡ được. Để người dân không chạy xe máy lên vỉa hè, cần tập trung điều chỉnh trật tự giao thông, kéo giảm tình trạng kẹt xe. Trong giờ cao điểm, ở các giao lộ phải có cảnh sát giao thông trực để điều phối giao thông, đồng thời nên kịp thời cảnh báo các điểm kẹt xe qua bảng chỉ dẫn điện tử.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư TPHCM, phân tích: “Việc nhiều người chạy xe máy lên vỉa hè do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là vì đường hẹp, xe đông, ý thức người dân chưa cao. Nhiều năm nay đường ở nội thành TPHCM vẫn vậy mà lượng xe lưu thông tăng rất nhiều. Giải pháp căn cơ là mở thêm đường, mở rộng hẻm kết nối, quy hoạch đường trên cao, đường song song, hay phải nâng cấp, ổn định và phủ đều các phương tiện giao thông công cộng, nhất là tuyến metro. Tuy nhiên, mở thêm đường, mở rộng hẻm kết nối trong nội thành là việc rất khó khả thi, bởi vướng nhiều về quy hoạch, đền bù, ngân sách… Do đó, cần phải có những giải pháp tạm thời, chờ ổn định phương tiện giao thông công cộng và từng bước nâng cao dân  trí.

Hiện nay ở nhiều nước đã thiết kế dải phân cách tự động, làn nào kẹt xe sẽ điều chỉnh nới rộng làn đó ra ngay, giúp thông thoáng hơn, tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Hay một số giải pháp TPHCM đang làm, như những đoạn vỉa hè rộng có thể thu hẹp lại và cải tạo thành một làn phụ. Cụ thể là trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1 (gần giao lộ Tôn Đức Thắng), từ khi cắt một phần vỉa hè quy hoạch thành làn phụ cho những xe rẽ phải, tình hình giao thông ở đây đã cải thiện nhiều. Tương tự, đường phụ trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) cũng giúp xe lưu thông thuận tiện hơn. Tôi nghĩ lúc này sẽ là vội vàng nếu phạt người chạy xe máy lên lề đường vì ùn tắc giao thông. Cần một thời gian chừng 1 - 2 tháng để lực lượng chức năng thực hiện các giải pháp tạm thời, đồng thời nhắc nhở, để người dân không chạy xe lên vỉa hè, sau đó mới bắt đầu phạt thì sẽ hiệu quả hơn”.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục