Tố cáo cán bộ, công chức sai trái khi làm nhiệm vụ

Điều 2 Luật Tố cáo quy định về việc công dân tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Mọi công dân đều có quyền thực hiện việc tố cáo theo quy định pháp luật.

Điều 2 Luật Tố cáo quy định về việc công dân tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Mọi công dân đều có quyền thực hiện việc tố cáo theo quy định pháp luật.

Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi trái pháp luật của CBCCVC được quy định rất rõ tại Điều 12 Luật Tố cáo. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý CBCCVC bị tố cáo có thẩm quyền giải quyết tố cáo; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức có người bị tố cáo có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu tổ chức, cấp phó của người đứng đầu tổ chức.

Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết là 90 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày. Căn cứ nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo phải kết luận bằng văn bản về nội dung tố cáo.

Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm, người giải quyết tố cáo phải thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết để khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra; đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật. Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm quy định trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo bằng một trong các hình thức sau đây: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật Nhà nước.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục