Cảnh báo diễn biến thời tiết thất thường

Vừa qua, ĐBSCL và Tây Nguyên đã chịu tác động nặng nề bởi hiện tượng El Nino và bị thiệt hại lớn từ cơn đại hạn này. Việc khắc phục hậu quả El Nino chưa xong, các cơ quan chuyên môn đã cảnh báo về một hiện tượng thời tiết cực đoạn khác: La Nina.
Cảnh báo diễn biến thời tiết thất thường

Vừa qua, ĐBSCL và Tây Nguyên đã chịu tác động nặng nề bởi hiện tượng El Nino và bị thiệt hại lớn từ cơn đại hạn này. Việc khắc phục hậu quả El Nino chưa xong, các cơ quan chuyên môn đã cảnh báo về một hiện tượng thời tiết cực đoạn khác: La Nina.

Mức độ ngập sâu ở TPHCM sẽ trầm trọng hơn nếu bị ảnh hưởng của La Nina

Có dấu hiệu

GS-TS Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ, khí tượng, thủy văn và môi trường, cho hay El Nino và La Nina thường xảy ra luân phiên, kế tiếp nhau. Các cơ quan dự báo thời tiết của Hoa Kỳ đã cảnh báo về khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina vào mùa hè năm nay. Cụ thể, nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương đang giảm dần: từ tháng 6 năm nay đã xuống dưới mức trung bình nhiều năm. Gió Đông tầng thấp ở vùng này yếu đi, trong khi gió Tây mạnh dần lên. Một số dấu hiệu khác như hoạt động đối lưu cũng có biểu hiện khác thường. Những biểu hiện này cho thấy xu hướng tiến triển của La Nina. Tuy vậy, những biểu hiện đó đều chưa đạt các tiêu chí về sự hình thành của một đợt La Nina, nhất là về độ lệch chuẩn của nhiệt độ bề mặt nước biển. Nói cách khác, hiện tượng El Nino 2015-2016 vẫn chưa kết thúc, mà đang suy yếu đi. Ông Ngữ nhấn mạnh: “Thời điểm này chúng ta cần tiếp tục tập trung theo dõi để kịp thời cảnh báo, dự báo và chủ động trong việc ứng phó nếu La Nina thực sự xảy ra”. 

Ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng - thủy văn Nam Bộ, cũng cảnh báo về việc La Nina có thể nối gót El Nino: “Hiện tại, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa tác động của El Nino về bình thường. Nếu xuất hiện La Nina, tác động khốc liệt nhất sẽ rơi vào cuối năm nay đến đầu năm sau”.

Nghiên cứu của Phân viện Khoa học khí tượng - thủy văn và biến đổi khí hậu, cho thấy biến đổi khí hậu làm cho bão/áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam. Như vậy, sắp tới đây khu vực Nam Bộ cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ nhiều cơn bão mạnh như khu vực Trung Bộ. Bão/áp thấp nhiệt đới kèm theo gió mạnh có khả năng gây hư hại các công trình xây dựng, nhất là TPHCM có nhiều công trình cao tầng. Do đó cần chú trọng thiết kế công trình chịu được gió bão cấp độ mạnh. 

Tác động khủng khiếp

Tác động của La Nina đến thời tiết, khí hậu các khu vực trên thế giới, thậm chí  đối với các vùng trong một quốc gia không giống nhau. Theo GS- TS Ngữ, nghiên cứu cho thấy, đối với nước ta, ảnh hưởng của La Nina làm cho nhiệt độ trung bình thấp hơn mọi năm, ngược lại lượng mưa lớn hơn và số trận mưa lớn và lũ lụt nhiều hơn bình thường. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ nhiều hơn các năm bình thường khoảng 2 cơn. Lịch sử ghi nhận đợt La Nina mạnh vào năm 1998-2001, hình thành sau đợt El Nino 1997- 1998 (đợt mạnh nhất thế kỷ 20) chỉ 2 tháng và kéo dài 33 tháng. Khi đó, 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, gây ra những đợt mưa lớn trên diện rộng và những trận lũ lịch sử. Chỉ trong vòng 1 tháng có 4 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh Trung Bộ. Ông Ngữ khuyến cáo: “Do hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới cùng với mưa lớn và lũ lụt, nên các tỉnh miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy vậy, trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, cũng cần đề phòng những diễn biến bất thường ở từng vùng, như nắng nóng, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại ở vùng núi. Việc cảnh báo sớm, dự báo, kể cả dự báo cực ngắn là rất cần thiết cho công tác phòng chống. Nếu chủ động các phương án cụ thể phòng chống và ứng phó phù hợp với từng ngành và địa phương sẽ hạn chế được những thiệt hại do La Nina gây nên”.

Còn theo ông Giám, biến đổi khí hậu khiến tình hình thời tiết cực đoan ngày xảy ra thường xuyên hơn, không theo quy luật trước đây. Thiên tai, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường, có sức tàn phá kinh hoàng. Con người không thể ngăn cản, nhưng có thể phòng tránh để giảm nhẹ tác hại. Trong mọi giải pháp, phải bắt đầu từ nhận thức. Phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu cần cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Để tăng khả năng thích ứng, đối phó với những cơn thịnh nộ bất thường của thiên nhiên đang ngày một gia tăng, cần phải nâng cao nhận thức của mọi thành phần trong xã hội, cả sự hiểu biết, kiến thức về những nguy cơ có thể xảy ra, cũng như những giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó.

Riêng đối với TPHCM, ngập lụt là một vấn đề hết sức nan giải, cộng thêm ảnh hưởng từ tác động đa chiều của biến đổi khí hậu. Nếu thêm mưa lũ từ tác động của La Nina, mức độ thiệt hại sẽ khó mà lường hết.

KHANH LÊ

Tin cùng chuyên mục