Nhức đầu vì tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo

Nhiều người dùng điện thoại di động phải nhức đầu vì tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo dồn dập, quấy rầy suốt từ sáng cho đến đêm khuya. Chuyện này diễn ra lâu rồi, dư luận than phiền rất nhiều, nhưng các nhà mạng vẫn không khắc phục, thậm chí chính nhà mạng viễn thông trục lợi từ hoạt động này.
Nhức đầu vì tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo

Nhiều người dùng điện thoại di động phải nhức đầu vì tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo dồn dập, quấy rầy suốt từ sáng cho đến đêm khuya. Chuyện này diễn ra lâu rồi, dư luận than phiền rất nhiều, nhưng các nhà mạng vẫn không khắc phục, thậm chí chính nhà mạng viễn thông trục lợi từ hoạt động này.

Dồn dập “tra tấn”

Nhiều khi có âm thanh báo hiệu tin nhắn vang lên, người sử dụng điện thoại di động lại mất thời gian vì chỉ là tin nhắn rác, nội dung quảng cáo bán nhà đất, bán sim số đẹp, cho vay, bảo hiểm, xem tử vi… và đủ thứ dịch vụ khác. Nhiều người dân đã rất bực bội gọi đến đường dây nóng Báo SGGP để than vì bị làm phiền.

Chị Đặng Thị Ngọc Diễm bức xúc: “Không thể chấp nhận được việc các nhà mạng viễn thông buộc khách hàng của họ phải chịu đựng suốt ngày với tin nhắn rác tràn lan. Cùng với tin nhắn rao bán bất động sản, sim số đẹp, xem bói…, còn có cả những tin nhắn rác của chính nhà mạng dồn dập “tra tấn” khách hàng, bất kể giờ nghỉ trưa và cả lúc đêm khuya. Nhiều khi buổi trưa đang ngủ lại bị tỉnh giấc bật dậy vì điện thoại báo có tin nhắn, nhưng chỉ là tin rác, không biết làm sao để trút giận”.

Danh sách thông tin cá nhân được rao bán trên mạng công khai

Không chỉ khốn khổ vì tin nhắn rác, về sau này, người sử dụng điện thoại còn liên tục bị quấy rầy vì những cuộc gọi quảng cáo rao bán bất động sản, bảo hiểm nhân thọ, cho vay tiền. Chị Lê Thư bức xúc: “Đúng là bị khủng bố tinh thần, đang tất bật với công việc mà cứ liên tục phải nhận những cuộc gọi với câu chào hỏi đúng tên mình nhưng rồi rao quảng cáo một cách sống sượng. Thật khốn khổ! Những người chọn cách quảng cáo một cách thô thiển, bất lịch sự như vậy thật nông cạn khi nghĩ rằng những người bị làm phiền quá đáng như vậy mà vẫn chịu khó lắng nghe và bị thuyết phục để tin dùng. Loại hình quảng cáo qua điện thoại này thật tệ hại nhưng chẳng hiểu sao vẫn cứ tồn tại, chẳng lẽ không có cách nào xử lý những kẻ xả rác trên mạng viễn thông”.

Do tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo tràn lan nên càng ngày mọi người càng phải cảnh giác cung cấp số điện thoại khi đăng ký các dịch vụ. Vừa cung cấp cho một công ty bất động sản biết số điện thoại thì sau đó cứ liên tục phải nhận hàng trăm cuộc gọi của các cò nhà đất chào mời. Số điện thoại của các cán bộ lãnh đạo, doanh nhân, bác sĩ, nhà báo... thường được công khai để giữ liên hệ với người dân 24/24 giờ, nhưng rồi lại có nhiều người “sưu tầm” các số điện thoại này đưa vào danh bạ để rao quảng cáo, thậm chí thành thông tin để bán cho những người muốn quảng cáo qua điện thoại.

Quản lý lỏng lẻo

Trong việc tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo quấy rầy người dùng điện thoại, trách nhiệm chủ yếu là các nhà mạng, vì đã quản lý lỏng lẻo, thậm chí trục lợi từ hoạt động xả rác này. Ngày 18-3-2016, Bộ Thông tin - Truyền thông đã ban hành Chỉ thị 11 về việc tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông sim di động trái quy định. Chỉ thị này đưa ra các biện pháp quản lý, hạn chế tin nhắn rác, xử lý hành vi kích hoạt sim sai quy định, thiết lập đường dây nóng về đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trên mạng, tăng chế tài xử phạt để nâng cao tính răn đe. Tuy vậy, sau 3 tháng thực thi Chỉ thị 11, nạn tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo vẫn tiếp tục tràn lan, quấy rầy người dùng điện thoại.

Vòng qua các điểm bán sim trả trước đã kích hoạt sẵn (thường gọi sim khuyến mãi) trên các con đường Đồng Đen, Nguyễn Thượng Hiền, Cách Mạng Tháng Tám…, người ta vẫn thấy nhộn nhịp cảnh mua bán. Ghé vào các cửa hàng này hỏi mua sim khuyến mãi, chúng tôi được người bán giới thiệu nhiều sim từ các nhà mạng khác nhau với gói cước “khủng”, đã đăng ký rồi, chỉ cần lắp vào điện thoại là sử dụng ngay. Do sim khuyến mãi buôn bán công khai, người cần quảng cáo dễ dàng sở hữu được mà không phải đăng ký thông tin cá nhân, nên hoạt động gửi tin nhắn rác, gọi cuộc gọi quảng cáo vẫn cứ lộng hành. Trên một trang mạng có thông tin hướng dẫn tải phần mềm gửi tin nhắn cho nhiều số, rồi mua cục thiết bị 3G gắn sim cần gửi, càng tiếp tay cho việc xả rác trên mạng viễn thông. Từ sau khi có Chỉ thị 11, trên mạng vẫn thấy rao bán công khai danh bạ điện thoại cho những người muốn quảng cáo qua điện thoại. Chỉ cần vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng là có thể mua được danh bạ điện thoại có số điện thoại của hàng ngàn người, tùy theo loại đối tượng khách hàng tiềm năng để quảng cáo cho vay, bán ô tô, mời gọi du lịch…

Nhiều người đã cố chặn tin nhắn và những cuộc gọi quảng cáo bằng cách tải về điện thoại các phần mềm chặn, với các chế độ chặn như đưa các số điện thoại xả rác vào danh sách đen để chặn; cài đặt thời gian không nhận tin nhắn và cuộc gọi; không nhận tin nhắn và cuộc gọi từ những số ngoài danh bạ; hoặc chặn tin nhắn và cuộc gọi từ những số sim khuyến mãi. Vậy mà vẫn không thoát được chuyện bị nhắn tin và gọi làm phiền, bởi những kẻ xả rác trên mạng viễn thông liên tục thay đổi sim; với lại người dùng điện thoại cũng ngại sẽ vô tình chặn luôn cả những cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ nhưng không phải là rác, cần thiết cho công việc làm ăn, giao tiếp.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục