Đối thoại với người khiếu nại

Đối thoại giữa người khiếu nại (KN) với người giải quyết KN và các đối tượng liên quan là thực hiện quy định pháp luật về trình tự giải quyết KN theo Điều 30 Luật KN.
Đối thoại với người khiếu nại

Đối thoại giữa người khiếu nại (KN) với người giải quyết KN và các đối tượng liên quan là thực hiện quy định pháp luật về trình tự giải quyết KN theo Điều 30 Luật KN.

Tìm tiếng nói chung 

Thực tế cho thấy mỗi khi người giải quyết KN và người KN cùng ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vướng mắc thì việc khó cũng thành dễ. Trong công tác giải quyết KN hiện nay, người giải quyết là đại diện cho cơ quan công quyền, vì thế, việc tổ chức đối thoại càng cần hơn, bởi khâu đối thoại không chỉ là thực thi luật, mà còn mang lại hiệu quả thiết thực, có thêm cơ sở giải quyết xác đáng vụ việc KN, giải tỏa bức xúc của người dân, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh đối thoại với người khiếu nại

Nhận thấy lợi ích từ việc đối thoại trong giải quyết KN, nên trong thời gian qua, người đứng đầu chính quyền các cấp tại TPHCM đã thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân để giải quyết KN. Ngày 10-6-2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trực tiếp đối thoại với những người KN ở quận 2, để giải quyết KN liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và đền bù khi giải tỏa mặt bằng, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là vụ KN đông người, phức tạp và đã kéo dài nhiều năm. Với tinh thần công khai rộng rãi, tham gia buổi đối thoại không chỉ có người dân, người đứng đầu UBND TPHCM, mà còn có sự tham dự của lãnh đạo HĐND TPHCM, Thanh tra Chính phủ, chính quyền địa phương và giới luật sư, báo chí. Theo nhận xét của những người dân KN, việc Chủ tịch UBND TP trực tiếp đối thoại tuy chưa thể giải quyết hết khúc mắc của người dân, nhưng bước đầu tạo được đồng thuận, lấy lại lòng tin giữa người dân vào chính quyền.

Theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM), nếu như không đối thoại khi giải quyết KN sẽ dễ dẫn đến phán quyết một chiều, người dân nhận quyết định giải quyết KN nhưng không phục, vẫn tiếp tục KN lên cấp trên. Như vậy không chỉ gây khó khăn, phiền hà cho người dân, mà cũng gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan chính quyền. Đối thoại sẽ giúp tìm được tiếng nói chung trong quá trình giải quyết KN, sẽ hạn chế được tình trạng đã có quyết định giải quyết KN nhưng vẫn làm đơn khiếu nại tiếp.

Vẫn còn khoảng cách giữa luật và cuộc sống

Điều 30 Luật KN quy định: Trong quá trình giải quyết KN lần đầu, nếu yêu cầu của người KN và kết quả xác minh KN còn khác nhau, thì người giải quyết KN tổ chức đối thoại với người KN, người bị khiếu nại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, để làm rõ nội dung KN, yêu cầu của người KN và hướng giải quyết KN. Việc đối thoại phải tiến hành công khai dân chủ. Người giải quyết KN phải thông báo bằng văn bản về địa điểm thời gian và nội dung buổi đối thoại. Trong quá trình đối thoại, người giải quyết KN phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung KN. Người đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến KN và yêu cầu của mình. Việc đối thoại phải lập thành biên bản, ghi rõ ý kiến những người tham gia. Kết quả đối thoại là một trong những căn cứ để giải quyết KN.

Như vậy, việc đối thoại giữa người giải quyết KN với người KN và những người liên quan đã được quy định chặt chẽ, trong đó quyền lợi của người KN được bảo vệ. Tuy vậy, ở một số địa phương tại TPHCM vẫn có không ít cán bộ chưa quan tâm thực hiện tốt quy định này khi giải quyết KN. Từ những quy định của Luật KN đến việc áp dụng vẫn còn khoảng cách. Nhiều người dân khi thực hiện quyền KN chưa thấy hết quyền của mình, nên không mạnh dạn đề nghị đối thoại. Một bộ phận cán bộ được phân công giải quyết KN vẫn còn né tránh, ngại tổ chức đối thoại với người dân.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Cục phó Cục III (Thanh tra Chính phủ), cho biết: “Trong giải quyết KN, mỗi khi các bên liên quan cùng ngồi đối thoại để giải quyết một vụ việc thì sau đó tính hiệu lực, khả năng thực hiện của quyết định giải quyết KN sẽ cao. Người nhận quyết định sẽ tâm phục, khẩu phục. Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ không chỉ tổ chức đối thoại với người KN, mà còn thường xuyên tổ chức trao đổi, đối thoại với UBND TPHCM, đơn vị giải quyết KN, để giải quyết KN nhanh chóng, hiệu quả hơn”. Hiệu quả của đối thoại trong việc giải quyết KN đã rõ. Để rút ngắn khoảng cách giữa quy định pháp luật và cuộc sống, cần phải có sự nỗ lực từ người dân và cán bộ giải quyết KN, mà biện pháp hữu hiệu là nâng cao, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người dân.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục